Khám phá, chinh phục Sa Pa – nơi đất trời gặp gỡ

Posted in Tin blog

Khám phá, chinh phục Sa Pa – nơi đất trời gặp gỡ

“Ơi Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời, bốn mùa hoa trái và mùa con trai hát gọi con gái, vấn vương bao người, ai về cùng Sa Pa…” Tôi thích suy đoán rằng, Phùng Chiến dường như xuất thần khi sáng tác “Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời”. Và tôi nghĩ, ai từng đến miền đất này, hẳn cũng như anh, sẽ tìm được lý do để trở lại hay để nặng lòng hơn nữa.

Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại. Trong tiếng Quan Thoại âm là SaPả hay SaPá tức “bãi cát”, do ngày trước khi có thị trấn Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà người dân thường họp chợ.Từ hai chữ “SaPả”, người phương Tây phát âm thành Sa Pa và họ đã phiên hai chữ đó sang tiếng Pháp thành “Cha Pa”. Về sau, từ này được viết thống nhất là Sa Pa.

Bốn mùa Sa Pa

Bốn mùa Sa Pa

Bốn mùa Sa Pa

Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, trên độ cao 1.600m so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38km và cách Hà Nội 376km, Sa Pa mùa nào cũng đẹp, cũng có những nét hấp dẫn riêng.

Mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc. Mùa Hạ là lúc xuống mạ, những ruộng mạ óng ánh sắc xanh ngời lên trong nắng làm mát mắt du khách đến đây trốn cái nắng đô thị. Mùa Thu những cánh rừng, những hàng samu, những thửa ruộng bậc thang cứ rực vàng ngời lên trong sắc nắng hanh hao.

Mùa Đông mây luồn xuống phố, len lỏi vào từng ngõ ngách, khiến ta có cảm giác như đang trong biển mây, không những thế, nơi đây còn là một trong những điểm hiếm hoi của Việt Nam có thể có băng tuyết…

Bốn mùa Sa Pa

Bốn mùa Sa Pa

Quả thật, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho huyện vùng cao này một khí hậu tuyệt vời, không khí mát mẻ quanh năm, cùng bao cảnh sắc thiên nhiên kỳ diệu. Cùng với món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng đó, với những nét riêng có của phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của người dân sống trên mảnh đất này, Sa Pa đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Đến với Sa Pa, chỉ trong một ngày ta cũng có thể cảm nhận được tiết trời đủ bốn mùa: buổi sáng man mác như mùa xuân, buổi trưa như vào hạ, buổi chiều mây và sương xuống tạo cảm giác như trời thu và ban đêm là se sắt đông về…

Sa Pa còn là “vương quốc” của hoa trái, với nhiều loại nổi tiếng như đào, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa lan, hoa cúc, hoa hồng. Và nơi đây cũng nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp chạy dài theo những con núi, quanh co theo những cung đường.

Sắc màu văn hóa

Sa Pa nơi tiếng khèn môi gọi bạn tình réo rắt, nơi có đỉnh Fansipan mây mù che phủ, nơi có Hàm Rồng vươn mình trong dãy núi xa xa. Với bạt ngàn hoa khoe sắc nào phong lan, đỗ quyên, hoa mai.

Tất cả như bản hòa tấu vang lên trong cảm nhận ngất ngây. Tiếng khèn môi của các chàng trai H’Mông không chỉ réo rắt gọi bạn, rủ nhau đến với chợ tình Sa Pa vào mỗi tối thứ 7 nơi sân nhà thờ ngay giữa thị trấn, mà còn làm say lòng bao du khách bốn phương.

Điệu khèn như lời thủ thỉ, cũng lại như lời mời gọi vòng người cứ nhiều thêm, nhiều thêm mãi. Từ các ngả đường, các chàng trai, cô gái cứ lần theo tiếng khèn mà về tụ hội để phiên chợ tình thêm đông vui.

Sắc màu văn hóa

Sắc màu văn hóa

Có thú nào bằng trong cái se lạnh, được ngồi bên bếp lửa bập bùng thưởng thức món ngô nướng, trứng nướng… và thả hồn theo tiếng du dương của những bản tình ca đôi lứa “Vang tiếng khèn chàng trai xuống chợ, hẹn gặp ai mà sao vui thế, tiếng đàn môi em nói điều gì, cho ta ngồi bên nhau đêm nay”.

Vậy nên, Sa Pa không chỉ hấp dẫn người ta vì cảnh sắc mà còn chính vì cái lạ, cái phong phú và cái bản thể được giải phóng của người thổ địa. Chính sự đa dạng của những tộc người nơi đây tạo nên sắc màu văn hóa phong phú như sự pha trộn màu sắc hay đường nét dệt nên chiếc khăn thổ cẩm của người dân chốn này.

Sa Pa là nơi sinh sống của nhiều tộc người như H’Mông, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó, Kinh và Hoa. Các dân tộc ít người ở Sa Pa đều có những lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng riêng: Hội Roóng Pọc của người Giáy, Hội Sải Sán (đạp núi) của người H’Mông, Lễ Tết Nhảy của người Dao… hầu hết đều diễn ra vào tháng Tết hàng năm.

Khám phá và chinh phục

Những cái tên như Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn, Tả Van, Fansipan, Núi Hàm Rồng, Thác Bạc, Cầu Mây, Bãi đá khắc cổ… khiến người ta mong muốn ít nhất một lần được đặt chân đến Sa Pa để tìm hiểu, rồi khám phá và không thể nào không chinh phục.

Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng tại độ cao 2.047m, trong làn sương thoắt ẩn thoắt hiện khiến ta có cảm nhận đây chính là nơi Đất Trời giao hòa và đỉnh Fansipan cao 3.143m – nơi được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương – thật gần.

Xa xa, dưới chân núi, chìm trong làn mây bồng bềnh, thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Còn trên Núi Hàm Rồng đủ các loài hoa quý hiếm rực rỡ đua nhau khoe sắc.

Đến với ngọn núi này, dường như ta thấy lòng bình yên lạ, bao nhiêu những mệt nhọc, vất vả, lo toan của cuộc sống hàng ngày nơi đô thị như tan biến, chỉ còn lại sự thanh thản để hòa mình cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Khám phá và chinh phục

Khám phá và chinh phục

Đặc biệt, tại thung lũng Mường Hoa có bãi đá cổ với 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa mà đến nay nhiều nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được. Khu bãi đá khắc cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia, hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ được giải mã để chúng ta có thể hiểu được người xưa đã làm gì, muốn nói gì.

Thêm một “đặc sản” nữa của Sa Pa mà không dễ gì ai cũng có thể được “nếm”, đó là băng tuyết. Được đắm mình trong cái lạnh tê người để chứng kiến vẻ đẹp độc đáo này mới thỏa cái chí của người thích khám phá, thích chinh phục.

Không có gì lạ khi Sa Pa khiến người ta say đắm đến vậy. Và, nếu như khách du lịch muốn và mong được trở đi trở lại nơi đây nhiều lần, thì với những người làm nghệ thuật, khám phá những nét đẹp tiềm ẩn của Sa Pa luôn là động cơ thúc giục họ đến với nơi này.

Không chỉ lời ca, Sa Pa còn là nơi để người ta săn tìm những khoảnh khắc còn lại với thời gian. Kho tàng nghệ thuật về Sa Pa cứ đầy dần lên mỗi nhịp thời gian trôi. Năm qua, tháng lại, người ta vẫn nặng lòng với chốn này.

Lời ca “Ơi Sa Pa, ơi Sa Pa, ơi Sa Pa… Ai về cùng Sa Pa…” như lẩn khuất sau rặng samu, sau những đám mây bồng bềnh, mời gọi tha thiết hãy đến, hãy quay lại và hãy cảm nhận về mảnh đất “nơi đất trời gặp nhau” này!

Xem thêm

Travel Sapa