Vẻ đẹp Mường Khương Sapa
Người già ở đây bảo: Mường Khương là tên gọi tiếng Việt mới có từ thời Pháp thuộc. Thực tế, nhân dân địa phương gọi là Mưng Khangw (tức Mường Gang) bởi theo truyền thuyết dân gian: “Ngày xưa, có một thầy địa lý mang theo túi mật ngựa đi chọn đất đai để sinh cơ lập nghiệp. Đến nơi đây, ông bỗng nhìn thấy dưới lớp đất là một biển nước mênh mông, có hai cột sắt ở giữa và bốn cột gang phía ngoài chống đỡ 4 góc làm cho mảnh đất này tồn tại vững chắc.
Nên mới đặt tên Mưng Khangw. Đến với Mường Khương, khách không chỉ được đắm mình với không khí trong lành của miền núi mà còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên của những dãy núi đá vôi. Nhìn từ xa, các thôn, bản ở huyện Mường Khương thấp thoáng xen lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng trùng điệp. Hòa lẫn trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đó là những nếp nhà sàn, nhà trệt xinh xắn; Những cánh đồng lúa Tùng Lâu – Na Bủ rộng mênh mông bát ngát. Nổi bật lên là quần thể hang động Hàm Rồng – một điểm du lịch nổi tiếng đã được xếp hạng di tích Quốc gia, cách trung tâm huyện chỉ 1,5km.
Cửa chính vào động là nơi bắt nguồn của dòng suối “Tùng Lâu” tạo thành dòng thác “Pao Tủng”. Chính nơi này đã phát hiện một trống đồng Pha Long có niên đại cách đây 4.000 năm. Cùng với động Hàm Rồng, còn có hang “Nấm Ọc” (xã Nấm Lư), hang “Mười Ngựa” (xã Tả Ngải Chồ) là những hang còn lưu giữ khá nhiều dấu tích người xưa. Đây cũng là tụ điểm hoạt động của bọn phỉ Châu Quang Lồ khét tiếng, đã bị các đơn vị bộ đội tiêu diệt năm 1952.
Đối diện với động Hàm Rồng là núi “Cô Tiên” có vẻ đẹp kỳ vĩ. Chuyện kể rằng: Từ xa xưa, các nàng Tiên xuống hạ giới du xuân, thấy núi non hùng vĩ, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình nên không đành lòng về trời. Trên đỉnh núi được tạo hóa, tạc nên phiến đá rộng chừng 1m, hình chiếc bàn, một ghế đá to hình Cô Tiên ngồi, xung quanh là 4 ghế nhỏ, 4 chàng trai tựa hình 4 con rồng chầu quanh phóng tầm nhìn bảo vệ cả một vùng thung lũng, biên giới Mường Khương.