Phát triển làng thổ cẩm Tả Phìn
Vượt qua chặng đường đèo dốc quanh co, Tả Phìn (Sa Pa) hiện ra đẹp như một bức tranh với đầy đủ màu sắc: màu nâu của đất, màu xanh của cây, màu đỏ của khăn trên đầu các cô gái Dao và muôn màu sắc sặc sỡ của thổ cẩm…
Dưới gốc cây cổ thụ, các cô gái Dao đỏ ngồi thêu thổ cẩm tỉ mẩn, mải miết như quên cả thời gian. Hầu như các cô đều được học may vá, thêu thùa từ nhỏ. Tới hỏi chuyện các cô, cô nào cũng ngượng nghịu, đôi má đỏ lựng, trông đến là duyên! Phìn Mán Mẩy ngượng ngập mô tả về đường thêu của mình: “Mình thêu cho khách thì phải chọn màu tối như thế này, chứ nếu mình mặc thì thích màu sáng hơn, bởi vì đó là sở thích của khách mà. Mình học thêu từ nhỏ, con gái vùng cao phải biết thêu thùa, may vá chứ”.
Du lịch phát triển đã giúp chị em tiếp cận được với những kiến thức mới trong nghề thủ công mỹ nghệ như học thêm được những mẫu mã mới, cách phối màu đa dạng, phong phú hơn trong các mặt hàng túi, khăn, tranh thêu, quần, áo, váy thổ cẩm. Mặt hàng thổ cẩm ở đây đã có ở trong nước và trên thế giới bởi chất lượng hàng thêu tay ngày càng được ưa chuộng, nhất là đối với người nước ngoài. Sản phẩm thổ cẩm ở Tả Phìn không dùng máy, chị em chỉ thêu tay. Thêu xong hết các mảnh thì ghép thành quần áo, lúc đó mới dùng máy may. Như thế mới giữ được nét truyền thống của cha ông để lại. Hoa văn được truyền từ đời xưa bây giờ bà con vẫn nhớ.
Du lịch phát triển, bà con sẽ có sự năng động thích ứng với cơ chế thị trường. Song, nhiều lúc, nhiều nơi, vẻ đẹp văn hoá thuần khiết đang ngày càng bị mai một. Người đến Sa Pa ngày càng nuối tiếc một Sa Pa mù sương có thiên nhiên nguyên sơ và con người thuần hậu đang dần bị biến đổi. Mong sao Tả Phìn có đủ sức bật vươn lên để không rơi vào tình cảnh vẫn thường xảy ra khi du lịch và dịch vụ phát triển.