Nét văn hoá Tả Van Sapa
Suối Tả Van Sapa nằm ở phía nam của huyện, cách trung tâm thị trấn Sapa 8km – nơi có Bãi đá cổ đang được đề nghị xếp hạng di sản văn hoá thế giới. Xã Tả Van trở thành điểm du lịch kỳ thú không thể thiếu trong những chuyến hành trình dã ngoại sinh thái của du khách.
Tuy nhiên, Tả Van không chỉ hấp dẫn về sự kỳ thú cảnh vật thiên nhiên mà gây ấn tượng trong lòng du khách bằng vốn văn hoá truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Giáy… chung sống ở đây.
Đến Tả Van vào dịp đầu năm, chúng ta sẽ được hoà mình trnong không khí lễ hội vui tươi nhộn nhịp như lễ hội “Roóng Poọc” của người Giáy; “Gầu Tào” của người Mông; tết nhảy của người Dao. Ở đó chúng ta sẽ bắt gặp những chàng trai Mông khoẻ khoắn yêu đời với chiến khèn bên hông. thanh nhiên Dao, Giáy tài hoa khéo léo trong từng nhịp trống, chiêng, tưng bừng. Và đặc biệt là vẻ đẹp rực rỡ sắc màu hoa văn của các cô gái Mông trong những bộ y phục cầu kỳ đường kim mũi chỉ, các cô gái Dao với những chiếc khăn Trùm đỏ rực xen lẫn khuy bạc lấp lánh; còn các cô gái Giáy duyên dáng trong những bộ quần áo “thắt đáy lưng ong”.
Đảng uỷ và chính quyền xã Tả Van luôn quan tâm chăn lo việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển vốn văn hoá bằng nhiều hình thức. Xã đã cho thành lập 3 đội văn nghệ của 3 dân tộc Mông, Dao, Giáy và mời các nghệ nhân tham gia truyền dạy các vốn văn hoá lễ nghi, lễ hội truyền thống cho lớp hậu sinh.
Được sự tài trợ của Hội văn học và các dân tộc thiểu số Trung Ương đội văn nghệ người Giáy khôi phục lại một số sinh hoạt văn hoá trong việc cưới của người Giáy có từ thủa xưa, nay đã bị mai một. Đó là các bài hát dân ca đối đáp trong đám cưới kèm theo nhạc phụ hoạ như kèn, Pí lè, Choong la. Nội dung lời của bài hát nhằm răn dạy các đôi vợ chồng trẻ phải biết yêu thương nhau trọn đời, kính trọng cha mẹ hai bên và làm tròn bổn phận của người làm chồng, làm vợ, làm con…
Cùng với khôi phục lại các bài hát dân ca đội văn nghệ người Giáy còn tham gia phần sinh hoạt văn hoát văn nghệ trong lễ hội Roóng Poọc (xuống đồng) của đồng bào, được tổ chức vào dịp đầu năm (từ mùng 1 đến rằm tháng Giêng hàng năm). Đây là lễ hội với những nghi lễ tập tục của cư dân nông nghiệp, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Ngoài phần nghi lễ có tính chất tín ngưỡng, phần lớn thời gian còn lại là các sinh hoạt văn hoá vui chơi cộng đồng.
Đội văn nghệ dân tộc Mông có 18 thành viên, dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân Cháng A Vàng và một số nghệ nhân khác đã khôi phục lại điệu múa Dha thang – một vũ điệu tập thể sôi động, độc đáo của người Mông, Đây là tiết mục không chỉ tất thảy mọi người Mông háo hức chờ đợi để được hoà mình với Dha thang trong những dịp hội hè mà bất cứ một du khách nào được xem vũ điệu này đều khâm phục sự điệu nghệ tài hoa của các chàng trai người Mông và thấy lòng mình náo nức với nhịp sống yêu đời của người dân vùng cao.
Đội văn nghệ dân tộc Dao đã than gia khôi phục lại điệu múa Pút tông trong Tết nhảy của mình. Tết nhảy thưởng diễn ra vào Tết âm lịch cổ truyền và tổ chức tại nhà trưởng họ. Các điệu nhảy như “Sài Cỏ”, “Plây Thiên”, “Pê Họ”, “Khai Lộ”, “Thiên Lý”… Với tổng số 14 điệu đều rất khó. Người nào nhảu hay, nhảy đẹp phải khổ công rèn luyện mới thành thạo. Cùng với những vũ điệu mạnh mẽ là tiếng chiên, tiếng trống, tiếng hú vang vừa náo động, vừa trang trọng của không khí hội hè. Tết nhảy của người Dao ở Tả Van là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang tính nghệ thuật ước lệ cao, gây sự chú ý tìm hiểu của mọi người, đặc biệt là du khách nước ngoài.