Blog
Blog và tin du lịch Việt Nam
Mùa thu xứ Mường
Đã lâu lắm rồi mới có cảm giác một mình thong dong giữa mùa thu như vậy. Thu vùng cao Tây Bắc đẹp quyến rũ đắm say. Tôi đi trên những cung đường vòng vèo lưng chừng núi, ngắm sắc thu vùng cao Mường Khương mà lòng cứ miên man cảm xúc khó tả.
Sáng đầu thu trong trẻo. Cái rét se se ngọt ngào mơn man da thịt. Sau giấc ngủ đêm, Mường Khương như sơn nữ vẫn còn mơ màng, nũng nịu trong chiếc chăn bồng bềnh sương trắng. Ấy vậy mà khi mặt trời lên, phía đông ửng hồng, cả thị trấn miền sơn cước cứ dần hiện ra trong màn sương như ở xứ sở thần tiên. Tôi thích sự tĩnh lặng của buổi sớm mùa thu nơi đây. Tuyến đường còn vắng người và các phương tiện qua lại.
Trong đêm, những chiếc lá vàng lặng lẽ rời cành, khẽ rơi xuống lòng đường và sống nốt quãng thời gian ngắn ngủi của đời lá trước khi dòng xe qua lại phủ lên một lớp bụi đường. Từ ban công nhà khách Ủy ban nhân dân huyện nhìn ra xa, dải sương sớm như chiếc khăn bông trắng hững hờ giăng ngang sườn núi. Nắng lên. Nắng thủy tinh dịu dàng đậu trên những vòm lá non. Thứ nắng mới còn tinh khôi trải trên sườn núi xuyên qua lớp sương mỏng đang bay lên như khói nhẹ.
Quả trám trong đời sống ẩm thực của đồng bào Tày Bảo Yên
Cây trám ở Bảo Yên trước đây chỉ có ở trên rừng già, người dân muốn lấy quả thì đợi đến mùa quả trám chín, rụng xuống, rồi nhặt về dùng cho việc chế biến các món ăn hằng ngày của gia đình. Nhưng giờ đây, cây trám đã trở thành cây trồng quen thuộc trên đất đồi, cho thu nhập cao đối với nhiều hộ gia đình ở Bảo Yên.
Lình xình hàng lưu niệm
Chạy dài theo mép sân trước mặt nhà thờ kéo dài đến tận cổng chợ là dãy hàng bán đồ lưu niệm, nhiều mặt hàng được bày như đồ thổ cẩm: quần áo, mũ, khăn, túi xách, túi đựng điện thoại di động; đồ bạc có vòng đeo tay, đeo cổ, tiền bạc hoa xòe… được gọi là hàng địa phương, còn phần lớn vẫn là hàng nhập từ Trung Quốc. Có vài phụ nữ Dao ngồi khâu ngay bên sạp hàng bày ven đường song mấy thứ hoa văn trên thổ cầm hầu như cũng là nhập ngoại.
Hàng giá thách đội lên gấp nhiều lần so với giá bán, một cái ví thách đến 20 nghìn nhưng trả 7 nghìn đồng là bán luôn; vòng bạc đeo tay giá chỉ 25 – 30 nghìn đồng thì thách lên đến 70 – 80 nghìn đồng. Chúng tôi còn bắt gặp ở đây cảnh nhiều em bé người Mông hay một vài phụ nữ người Dao đỏ tay mang cả chuỗi vòng bạc đeo cổ hoặc hàng thổ cẩm bám riết khách du lịch, nhất là khách nước ngoài để nài mua.
Làm du lịch đã nhiều năm, người dân Sa Pa cũng có vốn tiếng Anh kha khá. Thế nên, một chị bán hàng lưu niệm hỏi thẳng vị khách nước ngoài mua tấm bản đồ du lịch Sa Pa là trả bằng tiền Việt hay đô la. Trước cửa chợ văn hóa, còn có nhiều người mang cả “cổ vật” đi rao bán. Một cặp sừng trâu 27 năm tuổi, vài bộ sừng nai, dao Mông, cối gỗ… và cả một bộ trống, chiêng của ông thầy mo bản. Không biết có còn thứ gì cần lưu giữ mà trước sức cám dỗ của đồng tiền, dân ta sẵn sàng cho ra chợ.
Đi nhiều nơi, việc mua kỷ vật vốn là sở thích của khách du lịch. Tận mắt nhìn thấy ông Tây xúng xính trong chiếc áo thổ cẩm, bà chị miền Nam mua cái dây bạc tặng chồng nhưng cái gì riêng mang bản sắc Sa Pa thì ít thấy. Cùng với quy hoạch xây dựng khu chợ bán hàng lưu niệm để tránh mất trật tự đường phố thì việc nghiên cứu, sản xuất các món quà độc đáo của địa phương nơi có đỉnh Phan-si-păng – nóc nhà Đông Dương cũng là việc cần làm.
Rời Sa Pa, ấn tượng về một địa danh du lịch trên núi cao còn mãi. Và tiếng hát ai: “Anh chỉ nghe em hát, vang lên trong biển mây. Anh chỉ nghe tiếng cười, vang lên giữa rừng cây… Ôi! Sa Pa mù sương…” cứ níu kéo, hẹn ngày gặp lại…
Đặc sắc phiên chợ tình
Khác với chợ tình Khau Vai (Hà Giang), chợ tình Mộc Châu (Sơn La) được tổ chức mỗi năm một lần, chợ tình Sa Pa diễn ra thường xuyên vào tối thứ bảy hàng tuần. Trước kia, đó là điểm hẹn tình, nơi giao duyên của những chàng trai, cô gái người Dao đỏ. Từ chiều, dưới phố và ở sân nhà thờ thị trấn đã thấy rất nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với những vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vai áo. Hấp dẫn hơn nữa là có tiếng leng keng theo mỗi bước chân từ những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên chiếc khăn choàng đầu của họ. Đối tượng mà các cô quan tâm là những chàng trai người Dao trong trang phục áo chàm, khăn cùng màu, tay đeo đồng hồ, vai khoác chiếc đài cát-sét.
Ở một góc nọ, dăm bảy chàng trai xúm quanh một cô gái, họ đưa những chiếc máy cát-sét của mình vào gần cô để ghi âm những khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc. Thấy có người lạ, cô gái xấu hổ cúi đầu hoặc lấy tay che mặt nhưng vẫn hát trong tâm trạng hồi hộp. Rồi màn đêm xuống, sau những gốc cây sa mu và các tảng đá lớn là âm thanh mời gọi lúc trầm, lúc bổng của kèn lá, khèn môi bồng bềnh.
Phong tục của người Dao không ngăn cản người có vợ hoặc có chồng đi tìm bạn tình. Con gái 13, 14 tuổi đã đi theo các chị để làm quen. Những cô gái trẻ, đẹp thường được rất nhiều chàng trai để ý. Họ vây quanh, mở cát-sét cho cô gái nghe hoặc tán tỉnh rồi tặng quà kỷ niệm. Cô gái không ưng thì bỏ quà chạy và bị một chàng trai nắm tay giữ lại. Động tác này gọi là “kéo”, biểu hiện cho sự tỏ tình quyết liệt. Còn các cô gái khi chọn được chàng trai ưng ý thì giúi vào tay người đó vật đính ước, có thể là chiếc nhẫn, chiếc vòng tay hay chiếc lược… Thế là đám đông ồ lên và tản ra, cô gái quay về với các bạn gái. Một lúc sau, khi yên tĩnh trở lại thì 2, 3 cô bạn đưa cô gái này đến “gửi gắm” cho người đàn ông cô đã chọn. Rồi đôi bạn tình đưa nhau đi…
Bây giờ thì không chỉ riêng người Dao mà người Mông cũng đến chợ tình. Vừa là để tìm bạn vừa là để vui chơi sau những ngày lao động vất vả. Điều thu hút sự tò mò của chúng tôi là tiếng khèn của các chàng trai người Mông. Tiếng khèn dìu dặt cùng với bước nhảy và điệu ô xòe của cô gái Mông tham gia đội múa khèn cuốn hút.
Chợ vãn dần, cho đến khoảng 12 giờ đêm thì chỉ còn lại những người thích thưởng thức cái lạnh vùng cao và sưởi ấm bên bếp than rực hồng, nhâm nhi củ khoai, bắp ngô hay quả trứng gà nướng cùng chén rượu Bắc Hà, Sán lùng đặc sản Lào Cai. Cũng lúc này, chúng tôi gặp cả một gia đình người Mông cùng đi chợ tình. Vợ, chồng, con trai, con gái, họ đi để biểu diễn phục vụ khách du lịch và coi đây như một nghề kiếm sống.
Mỗi tối, mỗi người cũng được 50 – 70 ngàn đồng, gặp khách sộp “bo” nhiều thì khá hơn. Anh bạn đi cùng nổi hứng còn mời đức ông chồng mấy ly rượu, thế là say ngả say nghiêng đến nỗi bà vợ phải kéo mãi mới chịu rời chợ tình về nghỉ. Điều đáng tiếc cho những du khách ưa phám phá khi đến chợ tình Sa Pa mong chớp được một cảnh tỏ tình của các chàng trai, cô gái người Mông, người Dao lại hơi hiếm. Chợ tình bây giờ tấp nập hơn với cảnh mua bán và trong đó những tiếng khèn, điệu nhảy… cũng đã bị thương mại lấn át mất rồi.
Sa Pa lắm hoa nhiều thuốc
Từ lâu, Sa Pa (Lào Cai) đã là một địa chỉ du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đây cũng là điểm đến trong chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái -Phú Thọ. Những năm gần đây, Sa Pa có sự đầu tư và biến đổi nhanh song vẫn giữ được bản sắc văn hóa xứ núi.
Chúng tôi đặt chân lên đất Sa Pa, thị trấn nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, mang sắc thái khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới nên mát mẻ quanh năm. Ngay giữa trung tâm phố xá là một vườn mận và đào mùa này đã qua vụ khai hoa, chùm quả lấp ló dưới tán lá xanh trông như những bóng đèn nho nhỏ. Riêng hoa thì nhiều, hoa mọc ven đường, hoa trồng dọc phố, hoa trong khuôn viên các nhà hàng, khách sạn. Đủ loại: lay dơn, loa kèn, thược dược, cúc, hồng… và nhất là hoa bất tử thì hình như chỉ riêng đất Sa Pa có. Được thiên nhiên ưu đãi cho nên hoa đẹp lắm. Đỗ quyên nở đỏ trên đường chinh phục đỉnh Phan-si-păng; lan rực rỡ công viên Hàm Rồng. Riêng 2 vườn lan trên núi Hàm Rồng có đủ mặt trên 300 loài lan của rừng Hoàng Liên và nhiều giống lan nhập ngoại.
Nói về hoa lan, anh Phạm Khắc Xương – Tổng biên tập Báo Lào Cai cho biết: “Bây giờ, người ta thích chơi hoa lan, nhất là loại Kiếm hồng hoàng. Toàn huyện Sa Pa có gần trăm hộ gia đình trồng loại hoa này để bán ra thị trường. Tết vừa qua, có gia đình thu bạc tỷ, chậu hoa 82 cành của “vua hoa lan” Phan Bá Đường đấu giá thành công tại Hà Nội với giá 24 triệu đồng”. Đi trên phố Sa Pa, đâu cũng gặp những sắc màu bắt mắt và thoang thoảng hương thơm của hoa. Từng đến các vùng hoa Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng và bây giờ là Sa Pa của tỉnh Lào Cai mới thấy giá trị của hoa trong cuộc sống con người. Hoa không chỉ làm đẹp mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, một bông hoa hồng giống Đài Loan, Đà Lạt hay bông hoa tuy líp giống Hà Lan xuất khẩu cũng có giá vài đô la. Hoa Sa Pa đã có mặt tại thị trường Hà Nội và cũng đang thâm nhập thị trường thế giới để làm giàu cho vùng đất này.
Nói đến Sa Pa còn phải nói tới trung tâm cung cấp nguồn dược liệu cho cả nước. Đi dọc phố Tuệ Tĩnh, Cầu Mây, Hàm Rồng hay vào chợ, chỗ nào cũng thấy bày bán thuốc. Bán buôn có, bán lẻ có, từ cây hoàng liên đến các loại dược liệu quý như sâm, đỗ trọng, tam thất, actixô, nấm linh chi cổ và giá rẻ bất ngờ: một cân sâm giá 300 ngàn đồng, cân đỗ trọng giá 80 ngàn đồng và cân củ thiên ma giá cũng trăm ngàn đồng.
Nhớ lại hôm vào siêu thị thuốc ở Côn Minh (Trung Quốc), loại nào cũng có giá từ vài trăm đến hàng ngàn nhân dân tệ một ki lô. Thôi thì lời quảng cáo hay khiến anh nào anh nấy thi nhau móc hầu bao, có người làm cả chục triệu đồng tiền mua thuốc “quý”. Bây giờ lại thấy nó hiện diện tại nước nhà với giá “nội địa” sao không khỏi giật mình. Hỏi một chủ quầy thuốc, bà chủ hồn nhiên: “Chúng em vẫn bán dược liệu cho các nhà buôn Trung Quốc. Có người còn đặt sẵn thang đóng gói nhưng không ghi nhãn hiệu nữa đấy”.
Thế mới biết, cái bệnh “sính ngoại” hại người ta đến vô tình. Trên đường đi, chúng tôi còn gặp một quảng cáo khá độc đáo: “Tắm lá thuốc chính hiệu dân tộc Dao đỏ Sa Pa, chỉ có cơ sở đường lên núi Hàm Rồng” kèm theo khuyến mãi “Dịch vụ trọn gói tắm và mát-xa được tặng một gói thuốc tắm”. Cũng đã học được bài tiếp thị của nước ngoài nhưng tôi tin rằng, đây là cơ sở trị liệu dựa trên kinh nghiệm y học cổ truyền có tác dụng chữa bệnh và chắc là mình chẳng bị “chặt” đẹp.
Khám phá Sapa
Một Sapa không còn lạ lẫm với những điểm đến nổi tiếng, những cung đường mạo hiểm… Nhưng trong mắt nhóm phượt thủ lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, mọi thứ luôn hấp dẫn.
Thị trấn nhỏ bé Sapa nép mình ở độ cao trung bình từ 1500m-1800m nên có khí hậu ôn đới quanh năm. Phong cảnh hùng vĩ hoang sơ của vùng núi rừng Tây Bắc, chấm phá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc H’mong, Tày, Dao Đỏ… đã tạo nên một bản sắc rất riêng cho Sapa, làm xiêu lòng bất kì du khách nào khi đến với miền sơn cước này.
Chúng tôi đến Sapa vào một buổi sớm mùa hè mát mẻ, khi mà cả thị trấn còn chìm trong giấc ngủ mù sương. Cái không khí se se lạnh len lỏi nhè nhẹ vào từng thớ thịt, vừa đủ để bạn phải thi thoảng rùng mình mỗi khi có cơn gió ngang qua. Thuê một chiếc xe máy, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá của mình. Từ trung tâm thị trấn, theo hướng đi Lai Châu, chúng tôi bắt đầu khám phá đèo Ô Quy Hồ, một trong những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất Việt Nam, được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo ở vùng Tây Bắc (bên cạnh đèo Mã Phí Lèng ở Hà Giang, đèo Khau Phạ ở Yên Bái, đèo Pha Đin ở Điện Biên).
Đèo Ô Quy Hồ nằm ở độ cao trên 2000m, dài trên 40km với nhiều đoạn đổ đèo, cắt cua sẽ khiến nhiều tay lái tái mặt, chỉ cần một giây bất cẩn là cả người và xe sẽ rơi xuống vực sâu bên dưới. Đèo nằm vắt ngang như một dải lụa mềm mại qua dãy Hoàng Liên Sơn huyền thoại. Nếu may mắn đi vào những ngày nắng đẹp trời trong, bạn sẽ có cơ hội được ngắm những ngọn núi thuộc cụm “thất chỉ sơn” tuyệt đẹp, tất nhiên là cả đỉnh Fanxipan cao 3143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Trên đường đi bạn sẽ đi ngang qua Thác Bạc, một con thác khá nổi tiếng ở Sapa, tuy nhiên chúng tôi không dừng lại ở đây mà tiếp tục di chuyển lên Cổng Trời, một địa điểm nằm giữa đỉnh đèo.
Từ đây bạn có thể thu vào tầm mắt cả một vùng rừng núi hùng vĩ, những con đường đèo uốn lượn quanh co, những ngọn núi chọc trời, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Đứng giữa đại ngàn, choáng ngợp trước phong cảnh trước mắt, chắc hẳn bạn sẽ có nhiều cảm xúc khi thấy mình quá nhỏ bé khi đối diện với sự hùng vĩ của thiên nhiên. Ở Cổng Trời có một vài gian hàng của người Mông bán các món đồ lưu niệm bằng thổ cẩm khá bắt mắt, bên cạnh có hàng bán thịt nướng của cô bé người Giáy. Chúng tôi khuyên bạn nên dừng chân thưởng thức những món đồ nướng ngon tuyệt cùng với đặc sản cơm lam. Trong không khí lạnh lạnh, nhấm nháp những món ăn hấp dẫn và trò chuyện cùng những người buôn bán ở đây không chỉ giúp bạn có thêm một cái nhìn khác về cuộc sống của người dân, mà còn để lại cho bạn những kỉ niệm đẹp về vùng núi heo hắt quanh năm lạnh lẽo này.
Nhớ ghé vào ăn một vài món nướng để lấy sức lên đường
Rời Cổng Trời, trên đường đi về chúng tôi ghé vào tham quan Thác Tình Yêu, một con thác khá đẹp và nằm sâu trong rừng. Bạn phải đi bộ quanh co theo con đường đất đỏ gần hai cây số mới vào được thác. Với độ cao gần 100m nằm trên dòng chảy của suối Vàng bắt nguồn từ đỉnh Fanxipan, hệ thực vật chung quanh đa dạng và phong phú, chỉ có tiếng chim rừng hòa với tiếng thác chảy mát lạnh, nơi đây đang trở thành một điểm đến hấp dẫn mới ở Sapa.
Tiếp tục hành trình khám phá Sapa, chúng tôi lại ngược về thị trấn, vượt đèo để đến với Mường Hum, một thị trấn nhỏ cách Sapa hơn 30km. Nơi đây không có gì đặc sắc, chỉ là một thị tứ nhỏ ở vùng cao với cuộc sống bình lặng, là sự hòa hợp văn hóa của người Kinh và các sắc dân khác cùng nhau tồn tại và phát triển. Tuy nhiên cung đường từ Sapa đến Mường Hum quả là một trải nghiệm tuyệt vời cho dân phượt. Với hơn 30km đường đèo, bạn sẽ có thời gian khám phá cuộc sống và nét sinh hoạt của đồng bào miền núi nơi đây. Những ngọn núi bậc thang trập trùng nhấp nhô liên tiếp đầy màu sắc, các bản làng thấp thoáng ẩn hiện sau những rặng núi, mờ ảo chìm trong những đám mây tầng tầng lớp lớp. Những chú ngựa được nuôi thành đàn trên những dãy núi cao. Ven đường là những thửa ruộng khô đang chuẩn bị vào mùa rạ…
Trên đường đi, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những già làng đang gùi lá thuốc trở về sau nhiều giờ lang thang trong rừng, những em bé còn nhỏ xíu đã phải phụ gia đình đi chăn trâu. Những đôi mắt hồn nhiên nhưng lại chứa đầy nỗi buồn khi chúng tôi ghé thăm và cho em những bịch bánh hay viên kẹo nhỏ. Mong sao tuổi thơ của các em cũng sẽ ngọt ngào như những viên kẹo ấy…
Tất cả người dân tộc chúng tôi gặp trên đường đi đều rất chất phác và còn nghèo khó. Có lẽ vì sự phát triển của du lịch chưa kịp tác động đến những vùng sâu xa này. Nhờ vậy mà chuyến đi chúng tôi thêm phần ý nghĩa khi đem đến trẻ em miền sơn cước những món quà nho nhỏ, trao cho các em một chút niềm vui ngọt ngào mà lẽ ra các em xứng đáng được hưởng ở độ tuổi này.
Chúng tôi trở về Sapa với những nỗi niềm băn khoăn, hi vọng rồi cùng với sự đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, những mảnh đời cơ cực ở vùng cao kia rồi sẽ trở nên khá giả hơn, để trẻ em không còn phải lao động vất vả mà thay vào đó là những nụ cười rạng rỡ như trong giấc mơ cắp sách tới trường.
Để tiếp tục khám phá Sapa, bạn có thể ghé thăm những điểm đến đã khá nổi tiếng và quen thuộc với dân du lịch như: Hàm Rồng, nhà thờ đá, chợ Sapa, bãi đá cổ, cầu mây, bản Cát Cát, Bản Tả Phìn .. .
Mây luồn ở Sapa
Những tia nắng vàng bắt đầu le lói sau những ngày dài rét từ tết âm lịch tại Sapa, bầu trời nhưng đổi chiếc áo mới khiến cho khung cảnh nơi đây trở nên tiên cảnh.
Khi những thông tin dự báo thời tiết mang đến những thông tin tốt lành về thời tiết trên vùng đất thần tiên này, các đoàn khách du lịch, các tay săn ảnh từ mọi miền tổ quốc đã kịp đổ về nơi đây.
Sapa đẹp quanh năm, nhưng nó thật sự rực rỡ vào những ngày đầu xuân khi những tia nắng mới le lói trên các ngọn cây, tạo nên những ray sáng kì ảo khiến cho những tay máy không khỏi ngỡ ngàng. Nắng lên, tiết trời ấm dần Sapa huyền ảo như bức tranh sinh động, đôi khi huyền ảo như bức tranh thủy mặc dưới những đám “mây luồn”, một loại mây chỉ xuất hiện tại vùng núi Tây Bắc và Sapa những ngày đầu năm.
Nồng nàn phố huyện Sa Pa
Đến Sa Pa, mỗi người đều mang trong mình vài điều cảm nhận. Sa Pa mờ sương. Sa Pa một ngày có bốn mùa. Sa Pa vương quốc của các loài hoa…Với tôi, đến Sa Pa, thăm vùng đất đã viết nên câu chuyện anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Và chuyến hành trình lần này tôi cũng lặng lẽ và cảm nhận về Sa Pa theo cách của riêng mình…
Đến Sa Pa , mỗi người đều mang trong mình vài điều cảm nhận. Sa Pa mờ sương. Sa Pa một ngày có bốn mùa. Sa Pa vương quốc của các loài hoa…Với tôi, đến Sa Pa, thăm vùng đất đã viết nên câu chuyện anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Và chuyến hành trình lần này tôi cũng lặng lẽ và cảm nhận về Sa Pa theo cách của riêng mình.
Con đường du lịch lên núi Hàm Rồng bao la là thuốc. Những cây mật gấu, thuốc tắm dân tộc Dao, thuốc bộ 10 vị truyền thống… tất cả được xếp ngay ngắn trên sạp hàng chênh chếch theo độ dốc thoai thoải, chúng tôi được khai vị trà nấm Linh chi buổi sáng, với lời chào mời của chủ hàng, chén trà trên tay nóng hổi, nguyên mùi thơm. Nó man mác ngòn ngọt như cam thảo, thơm thơm đậm đặc một vị thuốc bắc… tất cả lưu giữ trong họng hương vị ngọt ngào mà thanh khiết.
Gió, mây theo bước chân khách bộ hành. Mặt đường rộng chừng 1 m là bê tông, là đá ghép đã nâng bước chân du khách. Du lịch trên núi Hàm Rồng chia thành những thứ bậc cao thấp khác nhau. Nó giống như quyển sách cứ đọc hết trang lại mở sang trang khác. Cái bí hiểm, cái say đắm lại hấp dẫn vào hồi kế tiếp. Đây là vườn hoa 12 con giáp… Đẹp nhất, trải dài khuôn hình, phô diễn cả thân hình là chú rồng. Rồng đanglượn uốn từng khúc, từng khúc. Chú rồng có cái đầu bốc lửa cách điệu. Những râu mắt vẩy đã hiện rõ bàn tay tài ba của nghệ nhân. Từng khúc đang uốn lượn qua những thảm đá, chui quanh kẽ đá… tất cả hiện lên trước mắt du khách, đánh thức vào bộ não của trẻ trong những câu chuyện cổ tích, hiện thực mà mờ ảo, cả một thế giới xung quanh các em. Thế giới ấy lại có ngay ở núi Hàm Rồng. Nó lột xác, thoát khỏi sự bó hẹp ràng buộc, khuôn mẫu của trang sách.
Vườn hoa trung tâm kia rồi. Rực rỡ màu hoa, đẹp như tấm thảm đủ màu sắc xanh, vàng, tím, đỏ, da cam. Thoai thoải và chênh chếch. Chữ Sa Pa màu huyết dụ hiện trên nền hoa. Tuyến đường lát đá xanh gọn ghẽ uốn lượn. Mặt trời làm bừng sáng lên sắc màu với nhiều gam độ khác nhau. Ở đây, các tay máy ảnh được phát huy tác dụng. Họ bấm máy hết công suất. Từng đoàn người, già có, trẻ có, người tây có, cứ nối tiếp xếp hàng chụp ảnh để ghi lại những giây phút này, màu sắc này. Ngoảnh về phía trái, bảy, tám cây móc xếp hàng, ôm ấp về phía sườn núi. Tán lá xanh ngắt, thăng bằng tàu lá đu đưa như bàn tay người lực sĩ đang tập thể hình. Dòng người lại đi, lại nghỉ, lại chụp ảnh, lại thưởng ngoạn.
Nhà nhiếp ảnh năm nay chọn đề tài có khác. Ông đang tìm một sinh khí mới tại nơi này, như ong tìm nhụy. Ông xoay xoay ống kính vào từng cánh hoa. Những nhụy, chồi, búp nõn, cho dù là xanh, vàng, tím, đỏ, tất cả hòa vào ánh nắng vàng lung linh. Si mê vòng quanh cây hoa. Ngày mai, những bức ảnh sẽ ra đời, rất có thể cả thế giới biết đến về hoa Sa Pa. Biết đâu sự thăng hoa trong khoảnh khắc sẽ bừng sáng lên những điều kỳ diệu mà ít ai có thể ngờ được.
Cứ thế trôi theo dòng chảy của du lịch, tắm mình trong mây, gió, đất, trời, của núi. Đứng từ đây, nơi vườn hoa trung tâm, ngước mắt nhìn lên với độ cao lý tưởng là sân mây. Gió thổi, mây bay, sươngbay. Màn sương phả vào da thịt của du khách. Sương mù đã xua tan, lấy đi giọt mồ hôi trên trán, phả vào mặt, mi mắt cái se lạnh man mác. Giólạnh lùa trong từng tà áo ấy như là ta vừa lấy chiếc khăn lạnh xoa nhẹ lên má, lên đầu. Đứng trên độ cao này, bồng bềnh giữa sương bay, màu sắc căng tròn con mắt, tai ta nghe thấy tiếng trống, tiếng hát văng vẳng ở trên cao. Tiếng hát cứ vờn lên trong ánh nắng ban mai. Tôi tạm nghỉ tại chòi gỗ bên đường, nơi dành riêng cho công nhân nghỉ ăn trưa. Anh lãnh đạo phụ trách công viên ngồi bên cho tôi biết đó là đội văn nghệ đang dạo nhạc, sửa soạn để ra mắt khán giả. Lạc giữa tầng cao là một làng văn hóa. Ở đây, những vuông thổ cẩm, những sáo, nhị và đàn môi cứ bày ra, sắp sẵn để mời chào, níu kéo du khách.
Tạm biệt Hàm Rồng, trong tôi lưu giữ bao điều kỷ niệm. Thấp thoáng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, hiện đại trong tầm nhìn của quy hoạch. Tôi nhớ tối hôm trước, đoàn chúng tôi được thưởng thức món lẩu cá hồi tại quán lẩu ngon. Vị ngọt của cá, vị bùi của quả, vị hăng nồng của gia vị kích thích khứu giác. Lên Sa Pa mà không được tận hưởng hương vị này thì coi như bạn chưa thấy cái lõi của đất trời Sa Pa.
Đêm Sa Pa , cả đoàn dạo bộ trên vỉa hè. Mơ hồ và trong trẻo như khi ta lạc giữa phố đông mà vẫn dễ chịu. Cảm giác này dễ thấy ở Đà Lạt. Những con đường cắt ngang, cắt dọc theo bản quy hoạch về một thị xã trong tương lai gần. Những viền hoa bên bờ hồ, trang điểm cho hồ thêm rực rỡ, sáng láng. Kỳ ảo nhẹ nhàng mà thanh khiết. Vườn hoa cách điệu, điểm xuyết góc cạnh của mặt hồ Sa Pa. Từ trên vỉa hè, nhìn sang bờ bên kia mới thấy sự tỏa sáng vẻ đẹp của quy hoạch.
Màu tím xen kẽ màu vàng, màu hồng xen kẽ màu diệp lục… tất cả đem lại hương vị thanh sạch cho những ai bách bộ quanhhồ. Phố huyện về đêm lặng lẽ như lời thì thầm của gió. Những nhà hàng cửa hiệu, đèn điện sáng như sao. Những chàng trai, cô gái Mông, Dao lại thao thức thâu đêm, trăn trở câu chuyện tình còn dang dở. Họ lặng thầm bên nhau, trao cho nhau ánh mắt, nụ cười, những câu hát dân ca, lặng thầm trong tiếng đàn môi dìu dặt./.
…
Sapa huyền ảo trong sương
Như phần đầu tôi đã nêu, khi tôi đến Sapa thì đã hơn 4 giờ chiều và đang có mưa nhẹ. Chính vì có mưa nên Sapa có độ ẩm cao và có sương.
Sau khi dùng cơm xong thì trời đã tối. Tôi bắt đầu một mình lang thang xuống phố với ý định tìm đến Chợ tình Sapa để một lần được tường tận bao điều mà tôi mong ước lâu nay. Đêm nay cũng là đêm cuối tuần – tối thứ 7!
Khi chiều có một anh ở địa phương bảo: Tối nay cuối tuần nhưng có mưa nên có lẽ ít người đến với chợ tình, nhất là các chàng trai, cô gái các dân tộc thiểu số ở các bản xa.
Một mình tôi lang thang xuống phố. Mưa rây nhẹ giăng giăng lẫn hơi sương đêm se lạnh…
Cảnh sắc Sapa ban ngày đã vô cùng rực rỡ, đến đêm lại càng trở nên lung linh huyền ảo của hơi sương dưới ánh đèn nhẹ như hơi thở của núi đồi khỏa lên những nóc nhà, con phố, tán cây…
Cuối cùng tôi đã đến được nơi cần đến. Trước mắt tôi, ngôi nhà thờ đá đã hiện lên trong ánh đèn ấm nóng và cái se lạnh của hơi sương với những bóng người đang tìm đến điểm hẹn: Chợ tình!
Đúng như lời dự đoán, đêm nay chợ tình vắng người do thời tiết. Những chàng trai đợi bạn với chiếc khèn trên vai buồn bã. Bởi vậy tôi và những du khách không được xem những điệu múa khèn của các chàng trai ở chợ tình Sapa trong lần này. Đây quả là một điều đáng tiếc đối với tôi, nếu không thì tôi cũng ghi được vài tấm ảnh hay để giới thiệu bạn bè và làm tư liệu về điệu múa khèn của chợ tình Sapa.
Một số người phụ nữ dân tộc đang kiên trì ngồi bán nốt chút hàng thổ cẩm, rồi lại tất tả trở về bản làng trong đêm sương giá lạnh.
Tôi dọc theo con đường dốc thoai thoải giữa thị trấn, trong ánh sáng lờ mờ của những chiếc đèn đường, làn hơi sương lan tỏa dịu dàng xua màn đêm sâu thăm thẳm. Càng về khuya “thị trấn trong mây” này lại càng lạnh giá và lạ lùng. Đi xa một chút về phía đường Cầu Mây, tôi cảm nhận rõ vẻ hoang sơ của núi rừng Tây Bắc. Bên tai chỉ còn lại những tiếng gió thốc và hơi lạnh của sương. Những đôi tình nhân đi du lịch trên đường chốc chốc lại đưa hai bàn tay chà xát thật mạnh rồi áp lên má. Dù đã mặc tới ba bốn lượt áo, nhưng nhiều người vẫn không thể xua tan đi cái giá lạnh nơi đây.
Tôi tiếp tục lang thang trên phố đêm và cảm nhận về Sapa. Tôi đi về hướng khu chợ vì ở đó còn ánh đèn và đông người qua lại. Những du khách bắt đầu dần tản đi về khách sạn để sởi ấm hoặc đi tìm đến quán chợ bán hàng đêm thưởng thức các món ăn nhâm nhi cốc rượu hay một cốc cà phê ấm nóng trong cái lạnh se lòng của đêm Sapa.
Những gian hàng bán đồ ăn bày biện thật bắt mắt, mùi thịt nướng thơm lừng, nghi ngút khói đang vẫy gọi những du khách đói bụng, muốn thưởng thức chút hương vị ẩm thực của núi rừng.
Chợ tình đã vắng người, chỉ còn khu chợ đêm này là nhộn nhịp du khách tham quan các gian hàng bán hàng vải, quần áo… hoặc dạo mua một vài món quà lưu niệm cho người thân, bạn bè nhân chuyến đi Sapa này.
Có thể nói, tôi đã có một đêm trải lòng mình với đêm Sapa huyền ảo để cảm nhận những cảm xúc mới lạ giữa sương khói mênh mông đất trời và cái lạnh se sắt. Tôi đi qua những con dốc, những dãy phố yên bình đang chuẩn bị giấc ngủ đêm dài, những ngỏ nhỏ quanh co, những bậc đá cuối con đường hun hút vắng người…
Nếu ai đã một lần đi Sapa chắc hẳn khó lòng quên được cảm giác khi được ngắm cảnh về đêm của thị trấn. Một vẻ đẹp đến nao lòng, làm ai khi ra về cũng phải luyến tiếc, để rồi thầm nghĩ “Chào Sapa nhé. Hẹn có dịp rồi tôi sẽ lại lên với Sapa!”.
Tôi chia tay Sapa và tiếp tục cuộc hành trình của chuyến đi Tây – Đông Bắc…
Tôi đến với Sapa lần này trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi, chỉ có một buổi chiều, tối và sáng sớm hôm sau nhưng tôi đã cố gắng trải lòng bằng cách ghi lại những khoảnh khắc với cảm xúc của mình, để rồi hôm nay khi nhìn lại tôi càng thêm tự hào và càng yêu quý đất nước và con người Việt Nam chúng ta hơn!
Một thoáng Sapa
Tàu bắt đầu lăn bánh ở ga HN vào khoảng 21h ngày 21/7/2006 . 9 tiếng sau chúng tôi đã có mặt ở ga Lào Cai, và khoảng gần trưa ngày hôm sau chúng tôi đã đặt chân lên đất Sapa.
Quãng đường từ TP Lào Cai đến TT Sapa là một quãng đường thật đẹp và thơ mộng, đúng như những gì tôi đã tưởng tượng và được nghe kể lại. Con đường nhỏ uốn lượn men theo sườn núi, còn phía bên kia là những thung lũng xanh mướt với những ruộng bậc thang thật lạ mắt và nên thơ. Xa xa là những làn sương mờ ảo như ôm trọn lấy những dãy núi hùng vĩ. Đường tới Sapa quanh co uốn lượn và rất nhiều đoạn cua gấp nhưng không hề gây cảm giác sợ hãi mà ngược lại bạn có thể cảm nhận thấy vẻ đẹp tiềm ẩn của núi rừng và cảm nhận được hơi thở của mình ngày càng gấp gáp hơn pha chút mạo hiểm.
Càng lên cao con đường càng nhiều đoạn cua và không khí ngày càng lạnh hơn. Thỉnh thoảng có những đoạn làm bạn bị ù tai, một cảm giác rất lạ và đầy khám phá. Hai bên đường đi cứ vài cây số lại thấy bóng dáng của những em bé, cô gái và cả các chàng trai bán hoa quả bên đường. Con người và đất trời như hoà quện vào nhau thật hài hoà và đậm chất thơ.
Đi khoảng 40 phút xe máy chúng tôi đã đến đựơc TT Sapa xinh đẹp. Trời tuy nắng nhưng vẫn hơi se lạnh cộng thêm cái vẻ hơi tĩnh lặng của buổi trưa khiến tôi cảm nhận được cái “lặng lẽ Sapa” ở một bài văn đã học từ thời phổ thông. Vừa dừng xe, chúng tôi đang ngơ ngác tìm nhà trọ thì mấy cô gái dân tộc đã tiến gần chúng tôi để “chào hàng”. Tôi tự sắm cho mình mấy cái vòng đeo tay trang trí khá xinh xắn. Người dân tộc nói tiếng anh rất tốt ( theo tôi là thế vì tôi nói TA kém lắm! ;D). Tôi đề nghị một chị đứng tuổi nói vài câu tiếng anh, chị ấy nói rất nhanh “you buy somethings for me”, Tôi ko nghe ra cái gì cả, tệ thật >:(( có thể là tôi ko nghe rõ do vừa bị ù tai trong chuyến đi vừa rồi chăng? ???,phải tự an ủi mình thế chứ! ;D) Thế là 1 người bạn đi cùng phải giải thích cho tôi, hihi xấu hổ chết người.
Khoảng 1 tiếng sau chúng tôi mới tìm đc 2 phòng trọ, tuy hơi xa trung tâm nhg ko sao vì chúng tôi có xe máy mà! Sau bữa trưa khá thịnh soạn chúng tôi tạm cho phép mình nghỉ ngơi một lát để tiếp tục cuộc hành trình mới.
Khoảng 3h chiều chúng tôi đã có mặt ở khu vực trung tâm TT để chinh phục đỉnh Hàm rồng. Mặc dù đã thấm mệt sau một chuyến tàu đêm nhg mọi người vẫn háo hức để leo lên đến đỉnh núi và chiêm ngưỡng Sapa từ độ cao đó. “Đường đến ngày vinh quang” cũng khá gian lao. Tôi ko thể đủ kiên nhẫn để đếm xem có bao nhiêu bậc nữa, chỉ biết là chúng tôi phải dừng chân rất nhiều lần, lúc để ngắm cảnh, lúc để chụp ảnh, có khi lại ngồi nhâm nhi tách trà (nhg mà ở đây “máy chém” dã man,50 nghìn một ấm trà bé tí tẹo, chỉ bằng1/3 ấm trà nhà tôi
Càng về chiều tối càng lạnh, và cũng càng có nhiều người muốn trinh phục mục tiêu ;). Càng lên cao bạn càng có nhiều cơ hội để ngắm nhìn cảnh đẹp. Những ngọn núi nép mình sau những làn sương rất khơi gợi sự đam mê khám phá. Hai bên lối đi có những đoạn là các quán nhỏ bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, có những đoạn là những khu vườn hoa nhỏ đầy màu sắc rực rỡ trong làn nắng nhẹ. Chúng tôi dừng chân lâu nhất ở một nhà sàn cho thuê quần áo dân tộc để chụp ảnh.
Tôi đã tranh thủ chụp mấy kiểu, nhg nói chung tôi ko giống như 1 cô gái dân tộc thực thụ , có lẽ nó không có hồn và thiếu đi cái vẻ “hoang dã” nhg cũng rất chân thật của người miền núi ( nhg mà ko sao, có ảnh làm kỉ niệm là đc rùi ;D). Phải mất khá nhiều thời gian và calo chúng tôi mới lên tới đỉnh Hàm Rồng. Từ trên nhìn xuống bạn có thể thấy toàn bộ thị trấn Sapa thu nhỏ trong tầm mắt, rất tuyệt!lãng mạn vô cùng…
Gió và nắng, cộng với khung cảnh đất trời man mác và con người sapa hiền hoà đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về một “thành phố trong sương” đã đi vào thơ ca và cả những bài hát với nhg giai điệu ngọt ngào nữa. Lúc này, trong tôi có một cảm giác rất lạ. Bỗng thấy như mình đã là một phần của mảnh đất Sapa, là một người con của núi rừng, lâng lâng và ngây ngất như đang say với men rượu cần vậy…