Blog

Blog và tin du lịch Việt Nam

Khám phá, chinh phục Sa Pa – nơi đất trời gặp gỡ

Đăng bởi lúc 9:55 am trong phần Tin blog | Comments Off

Khám phá, chinh phục Sa Pa – nơi đất trời gặp gỡ

“Ơi Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời, bốn mùa hoa trái và mùa con trai hát gọi con gái, vấn vương bao người, ai về cùng Sa Pa…” Tôi thích suy đoán rằng, Phùng Chiến dường như xuất thần khi sáng tác “Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời”. Và tôi nghĩ, ai từng đến miền đất này, hẳn cũng như anh, sẽ tìm được lý do để trở lại hay để nặng lòng hơn nữa.

Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại. Trong tiếng Quan Thoại âm là SaPả hay SaPá tức “bãi cát”, do ngày trước khi có thị trấn Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà người dân thường họp chợ.Từ hai chữ “SaPả”, người phương Tây phát âm thành Sa Pa và họ đã phiên hai chữ đó sang tiếng Pháp thành “Cha Pa”. Về sau, từ này được viết thống nhất là Sa Pa.

Bốn mùa Sa Pa

Bốn mùa Sa Pa

Bốn mùa Sa Pa

Nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, trên độ cao 1.600m so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38km và cách Hà Nội 376km, Sa Pa mùa nào cũng đẹp, cũng có những nét hấp dẫn riêng.

Mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc. Mùa Hạ là lúc xuống mạ, những ruộng mạ óng ánh sắc xanh ngời lên trong nắng làm mát mắt du khách đến đây trốn cái nắng đô thị. Mùa Thu những cánh rừng, những hàng samu, những thửa ruộng bậc thang cứ rực vàng ngời lên trong sắc nắng hanh hao.

Mùa Đông mây luồn xuống phố, len lỏi vào từng ngõ ngách, khiến ta có cảm giác như đang trong biển mây, không những thế, nơi đây còn là một trong những điểm hiếm hoi của Việt Nam có thể có băng tuyết…

Bốn mùa Sa Pa

Bốn mùa Sa Pa

Quả thật, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho huyện vùng cao này một khí hậu tuyệt vời, không khí mát mẻ quanh năm, cùng bao cảnh sắc thiên nhiên kỳ diệu. Cùng với món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng đó, với những nét riêng có của phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của người dân sống trên mảnh đất này, Sa Pa đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Đến với Sa Pa, chỉ trong một ngày ta cũng có thể cảm nhận được tiết trời đủ bốn mùa: buổi sáng man mác như mùa xuân, buổi trưa như vào hạ, buổi chiều mây và sương xuống tạo cảm giác như trời thu và ban đêm là se sắt đông về…

Sa Pa còn là “vương quốc” của hoa trái, với nhiều loại nổi tiếng như đào, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa lan, hoa cúc, hoa hồng. Và nơi đây cũng nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp chạy dài theo những con núi, quanh co theo những cung đường.

Sắc màu văn hóa

Sa Pa nơi tiếng khèn môi gọi bạn tình réo rắt, nơi có đỉnh Fansipan mây mù che phủ, nơi có Hàm Rồng vươn mình trong dãy núi xa xa. Với bạt ngàn hoa khoe sắc nào phong lan, đỗ quyên, hoa mai.

Tất cả như bản hòa tấu vang lên trong cảm nhận ngất ngây. Tiếng khèn môi của các chàng trai H’Mông không chỉ réo rắt gọi bạn, rủ nhau đến với chợ tình Sa Pa vào mỗi tối thứ 7 nơi sân nhà thờ ngay giữa thị trấn, mà còn làm say lòng bao du khách bốn phương.

Điệu khèn như lời thủ thỉ, cũng lại như lời mời gọi vòng người cứ nhiều thêm, nhiều thêm mãi. Từ các ngả đường, các chàng trai, cô gái cứ lần theo tiếng khèn mà về tụ hội để phiên chợ tình thêm đông vui.

Sắc màu văn hóa

Sắc màu văn hóa

Có thú nào bằng trong cái se lạnh, được ngồi bên bếp lửa bập bùng thưởng thức món ngô nướng, trứng nướng… và thả hồn theo tiếng du dương của những bản tình ca đôi lứa “Vang tiếng khèn chàng trai xuống chợ, hẹn gặp ai mà sao vui thế, tiếng đàn môi em nói điều gì, cho ta ngồi bên nhau đêm nay”.

Vậy nên, Sa Pa không chỉ hấp dẫn người ta vì cảnh sắc mà còn chính vì cái lạ, cái phong phú và cái bản thể được giải phóng của người thổ địa. Chính sự đa dạng của những tộc người nơi đây tạo nên sắc màu văn hóa phong phú như sự pha trộn màu sắc hay đường nét dệt nên chiếc khăn thổ cẩm của người dân chốn này.

Sa Pa là nơi sinh sống của nhiều tộc người như H’Mông, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó, Kinh và Hoa. Các dân tộc ít người ở Sa Pa đều có những lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng riêng: Hội Roóng Pọc của người Giáy, Hội Sải Sán (đạp núi) của người H’Mông, Lễ Tết Nhảy của người Dao… hầu hết đều diễn ra vào tháng Tết hàng năm.

Khám phá và chinh phục

Những cái tên như Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn, Tả Van, Fansipan, Núi Hàm Rồng, Thác Bạc, Cầu Mây, Bãi đá khắc cổ… khiến người ta mong muốn ít nhất một lần được đặt chân đến Sa Pa để tìm hiểu, rồi khám phá và không thể nào không chinh phục.

Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng tại độ cao 2.047m, trong làn sương thoắt ẩn thoắt hiện khiến ta có cảm nhận đây chính là nơi Đất Trời giao hòa và đỉnh Fansipan cao 3.143m – nơi được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương – thật gần.

Xa xa, dưới chân núi, chìm trong làn mây bồng bềnh, thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Còn trên Núi Hàm Rồng đủ các loài hoa quý hiếm rực rỡ đua nhau khoe sắc.

Đến với ngọn núi này, dường như ta thấy lòng bình yên lạ, bao nhiêu những mệt nhọc, vất vả, lo toan của cuộc sống hàng ngày nơi đô thị như tan biến, chỉ còn lại sự thanh thản để hòa mình cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Khám phá và chinh phục

Khám phá và chinh phục

Đặc biệt, tại thung lũng Mường Hoa có bãi đá cổ với 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa mà đến nay nhiều nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được. Khu bãi đá khắc cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia, hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ được giải mã để chúng ta có thể hiểu được người xưa đã làm gì, muốn nói gì.

Thêm một “đặc sản” nữa của Sa Pa mà không dễ gì ai cũng có thể được “nếm”, đó là băng tuyết. Được đắm mình trong cái lạnh tê người để chứng kiến vẻ đẹp độc đáo này mới thỏa cái chí của người thích khám phá, thích chinh phục.

Không có gì lạ khi Sa Pa khiến người ta say đắm đến vậy. Và, nếu như khách du lịch muốn và mong được trở đi trở lại nơi đây nhiều lần, thì với những người làm nghệ thuật, khám phá những nét đẹp tiềm ẩn của Sa Pa luôn là động cơ thúc giục họ đến với nơi này.

Không chỉ lời ca, Sa Pa còn là nơi để người ta săn tìm những khoảnh khắc còn lại với thời gian. Kho tàng nghệ thuật về Sa Pa cứ đầy dần lên mỗi nhịp thời gian trôi. Năm qua, tháng lại, người ta vẫn nặng lòng với chốn này.

Lời ca “Ơi Sa Pa, ơi Sa Pa, ơi Sa Pa… Ai về cùng Sa Pa…” như lẩn khuất sau rặng samu, sau những đám mây bồng bềnh, mời gọi tha thiết hãy đến, hãy quay lại và hãy cảm nhận về mảnh đất “nơi đất trời gặp nhau” này!

Hành trình khám phá Sapa

Đăng bởi lúc 8:45 am trong phần Tin blog | Comments Off

Hành trình khám phá Sapa
Khó có nơi nào khác ngoài Sa Pa, người ta có thể say sưa đến thế với hương vị mùa đông, ngây ngất đến thế với cái lạnh se sắt nhưng đầy quyến rũ.
Thị trấn nhỏ bình yên trong sương lạnh

Thị trấn nhỏ bình yên trong sương lạnh

Cảm nhận của nhiều du khách về Sa Pa là mùi vị đất trời, thiên nhiên trong lành, lúc bồng bềnh man mác, khi ấm áp, say nồng.

Nắng lên rực rỡ...

Nắng lên rực rỡ…

Nhiều lữ khách dù đã nhiều lần đến Sa Pa nhưng vẫn tha thiết chọn đây là điểm đến lý tưởng của mình: Những dãy núi cao mây phủ bốn mùa, những nương ruộng bậc thang bồng bềnh sương khói… những con người thơ ngây, hồn hậu và những cảnh trí thiên nhiên còn đậm vẻ hoang sơ chính là sức hút khó tả của nơi này.

Một người mẹ đưa con ra đồng, vừa làm, vừa trông con…  hình ảnh khó có thể tìm thấy ở một nơi nào khác

Một người mẹ đưa con ra đồng, vừa làm, vừa trông con… hình ảnh khó có thể tìm thấy ở một nơi nào khác

Hành trình đến với Sapa là hành trình cảm nhận cái lặng lẽ của đất trời và của chính lòng mình, quên hết mọi vội vàng, tất bật để sống chậm hơn, tĩnh tại hơn.
Từng đoàn người từ các bản đi bộ lên chợ

Từng đoàn người từ các bản đi bộ lên chợ

Hành trình đến với Sapa cũng là hành trình khám phá. Khám phá thiên nhiên hoang dại, khám phá đời sống con người giản dị mà bí ẩn.

Chợ SaPa

Chợ SaPa

Hành trình đến với Sapa, có lẽ là một hành trình không bao giờ cũ.

Minh Tâm

 

Cảm nhận vẻ đẹp của Sapa về đêm

Đăng bởi lúc 8:29 am trong phần Tin blog | Comments Off

Cảm nhận vẻ đẹp của Sapa về đêm

Dọc theo con đường dốc thoai thoải giữa thị trấn, trong ánh sáng lờ mờ của những chiếc đèn đường, làn hơi sương lan tỏa dịu dàng xua màn đêm sâu thăm thẳm. Càng về khuya “thị trấn trong mây” này lại càng lạnh giá và lạ lùng.

Những gian hàng nướng thơm lừng, nghi ngút khói đang vẫy gọi những thực khách đói bụng, muốn thưởng thức chút hương vị ẩm thực của núi rừng. Một số người phụ nữ dân tộc đang kiên trì ngồi bán nốt chút hàng thổ cẩm, rồi lại tất tả trở về bản làng trong đêm sương giá lạnh.

Đi xa một chút về phía đường Cầu Mây, người ta mới cảm nhận rõ vẻ hoang sơ của núi rừng Tây Bắc. Bên tai chỉ còn lại những tiếng gió thốc và hơi lạnh của sương. Những đôi tình nhân đi du lịch trên đường chốc chốc lại đưa hai bàn tay chà xát thật mạnh rồi áp lên má. Dù đã mặc tới ba bốn lượt áo, nhưng nhiều người vẫn không thể xua tan đi cái giá lạnh nơi đây.

Nếu ai đã một lần đi Sapa chắc hẳn khó lòng quên được cảm giác khi được ngắm cảnh về đêm của thị trấn. Một vẻ đẹp đến nao lòng, làm ai khi ra về cũng phải luyến tiếc, để rồi thầm nghĩ “rồi ta sẽ lại lên Sapa”.

Một chút huyền ảo của thị trấn trong mây

Một chút huyền ảo của thị trấn trong mây

Nhìn từ xa, những căn nhà hiện lên với bao màu sắc huyền bí

Nhìn từ xa, những căn nhà hiện lên với bao màu sắc huyền bí

Các đôi tình nhân đưa nhau đi ngắm cảnh Sapa về đêm

Các đôi tình nhân đưa nhau đi ngắm cảnh Sapa về đêm

Vịt nướng, trứng nướng là những thức ăn được ưa chuộng nhất về đêm ở Sapa.

Vịt nướng, trứng nướng là những thức ăn được ưa chuộng nhất về đêm ở Sapa.

Đồ nướng bốc khói thơm lừng, mời gọi khách hàng

Đồ nướng bốc khói thơm lừng, mời gọi khách hàng

Cảm nhận về Sa Pa

Đăng bởi lúc 8:07 am trong phần Tin blog | Comments Off

Cảm nhận về Sa Pa
Sau bốn năm trời, nay tôi lại có dịp trở lại thăm Thị trấn Sa Pa thơ mộng. Hẳn là chưa quên được với những ấn tượng ngày nào khi đi qua vùng đất lạnh này. Ngày ấy vào năm 2007 nhân dịp về thăm quê tôi quyết định sang TP. Lào Cai để đi tàu hỏa một lần cho biết. Nhìn qua mành kính xe ô tô khi qua Thị trấn Sa Pa tuy rất mệt mõi và buồn ngủ nhưng tôi vẫn cố chống hai mi mắt lên để chiêm ngưỡng cái vẻ đẹp kiêu sa khó cưỡng lại của Sa Pa.
Giống như khi ta được thưởng thức một món ăn ngon ” dở mồm” thì cảm thấy thòm thèm và lúc nào cũng muốn thử lại lần thứ 2, thứ 3,… cũng chính vì cái thòm thèm đó mà lần này tôi quyết định khám phá Sa Pa một lần nữa!
Chiếc xe 24 chỗ ngồi chỉ có anh lái xe tên Điệp ( Người gốc Giao thủy  – Nam Định ), tôi và một người bạn già nữa. Suốt chặng đường từ TP Điện Biên Phủ sang đến Sa Pa người chúng tôi là những vị khách đặc biệt ra, xe chỉ bắt được thêm 3 khách. Hai vị khách lên từ Mường Chà rồi xuống tại TX. Mường Lay, một vị lên ở huyện Phong Thổ và xuống tại TX. Lai Châu vậy là anh Điệp chỉ bỏ túi được 150.000 đồng nhưng không hề tỏ ra cằn nhằn, khó chịu vì xe Công ty chủ yếu chạy hợp đồng. OK đi…
Anh Điệp đưa ra hai phương án cho chúng tôi lựa chọn, một là chúng tôi về thẳng TP. Lào Cai rồi mai lại vòng xuống Sa Pa. hai là nếu tìm được nhà nghỉ trọ thì chúng tôi sẽ nghỉ lại Sa Pa. Suốt chặng đường đi từ TX. Lai Châu về Sa Pa , anh Điệp liên tục a lô để liên hệ phòng nghỉ cho chúng tôi. Khả năng không có phòng trọ, mùa du lịch mà đấy cũng là điều dễ hiểu. Chiếc xe đỗ lại  một khách sạn tại Sa Pa , tôi liếc nhìn đồng hồ chỉ 22h45”’ khách sạn hết phòng nhưng may quá ông chủ nhà cho một địa chỉ có một nhà nghỉ cách đấy không xa vẫn còn phòng.
Tôi và người bạn già vội vàng mang vác đồ đạc vào nhận phòng để còn kịp xuống thăm ” Chợ Tình”. Anh chủ nhà nghỉ cũng dễ tính đã chiều lòng chúng tôi cho mượn một chiếc xe máy để xuống Chợ vì nhà nghỉ cách đấy chừng 2 km. Cái lạnh đang thấm dần vào từng tế bào của tôi, hai tai vẫn chưa hết ù ù và đau nhức do hiện tượng chênh lệch áp suất không khí đi từ thấp lên cao, tôi lượn xe một vòng quanh Thị Trấn Sa Pa háo hức đi tìm chợ tình để khám phá. Khi tìm đến nơi chỉ là một bái đất trống, đúng hơn là một cái sân vận động nhỏ không hề có một hoạt động nào mà tôi đã tưởng tượng ra.
Cảm nhận về Sapa

Cảm nhận về Sapa

Đâu đó có mấy đôi trai gái người dân tộc H”mông đang đi với nhau, có mấy gã trai tơ, cằm thì chả có cái râu nào đang lang thang tay xách chiếc khèn đi xiêu vẹo chắc vì men rượu đã ngấm, tôi liếc nhìn đồng hồ lúc này đã gần 24h, chắc phiên chợ tan rồi…

Cảm thấy hụt hững, tôi tạt đại vào một quán nhậu nhỏ trong con hẻm nhỏ gần chợ gọi  một xiên thịt nướng và một ống cơm lam thưởng thức. Quãng đường đưa tôi đến Sa Pa quá dài nên làm cho người tôi nhão ra chỉ muốn đánh kềnh một giấc thật dài. Vừa nhấm nháp những chú chim nướng béo vàng, tôi vừa quan sát xung quanh. Đúng là… Đêm Sa Pa nhộn nhịp chẳng kém gì những khu phố sầm uất nhất của Hà Nội, tôi tự nhủ ” Cái lặng lẽ Sa Pa ” đâu nhỉ?
Sáng hôm sau, sau khi đánh xong một bát bún to ụ cảm thấy trong người thật sảng khoái chắc do được tận hưởng cái bầu không khí trong lành của nơi đây nên giấc ngủ đêm qua đã làm tôi hết mệt mỏi. Tôi lại bắt xe ôm xuống Chợ… Mặt trời lên cao dần càng làm lộ rõ cái vẻ đẹp thần bí của vùng đất lạnh này. Thấp thoáng trong những vạt cây Sa Mu cổ thụ thẳng tắp là bóng dáng của những khu nhà nghỉ, khách sạn với lối kiến trúc vừa hiện đại lại vừa cổ kính, vừa nguy nga tráng lệ lại vừa ảm đạm trầm mặc. Những dải mây trắng như vẫn không muốn dứt khỏi phố núi suốt đêm qua, cứ quẩn quanh làm ướt cả mặt mũi và quần áo du khách…
Cảm nhận về Sapa

Cảm nhận về Sapa

Tôi lại làm một vòng quanh khu chợ Sa Pa , đi hết khu A rồi lại vòng sang khu B. Nào là hàng quần áo, dầy dép, hoa quả, rau cỏ,… và thuốc bắc sao mà nhiều cửa hàng đến thế? Không làm sao thoát khỏi sự cảm dỗ của hàng hóa và cũng muốn kiểm nghiệm về lời đồn ” Thuốc bắc Sa Pa” vốn nổi tiếng nên tôi cũng mua một bịch to. Nào là thuốc chữa bệnh xương khớp, thuốc bổ ngâm rượu,… chưa biết tác dụng đến đâu nhưng nhìn hình thái các loại thảo dược này tôi thấy rất thiện cảm và tạm yên tâm. Có lẽ phải về uống thử mới biết được? Nể nhất người bạn đi cùng, mua hết 1 triệu bạc chỉ với 5 gram hạt một loại cây  rừng mà chỉ nghe nói là chữa được bệnh gan nhiễm mở. Tôi hơi hoài nghi …
Vác hai bọc thuốc bắc lên đến nhà thờ, mồ hôi bắt đầu túa ra chưa kịp lau khô tôi lại bị một nhóm các cô cậu bé người dân tộc H”mông làm phiền. Đâu phải tính cách của các em nhỏ mà tôi đã gặp mỗi lần đi cơ sở, trái với cái tính nhút nhát, e dè ngại tiếp xúc với người lạ thì các em nhỏ  này tỏ ra rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực Makettings. Tôi thầm nghĩ bụng ” Chắc cũng vì miếng cơm manh áo nên các em mới trở nên như vậy ”. Bất giác trong đầu tôi quẩn quanh với những câu hỏi:
          – Nếu Sa Pa không bị thương mại hóa như bây giờ liệu có còn hấp dẫn những du khách như tôi?
          – Và… ” Đâu rồi cái lặng lẽ Sa Pa “?
Lên xe nhanh nào… tiếng anh lái xe gọi giật từ phía sau, tôi thoát khỏi cơn mộng mị và nhanh chóng chuyển hành lý lên xe để về TP. Lào Cai như lịch trình đã định. Tạm biệt Sa Pa !
CHIỀU SA PA
 
Ai đưa tôi đến Sa Pa ?
Để cho cái lạnh vào da vào lòng…
Để tôi thỏa nỗi nhớ mong
Đêm mơ, ngày nhớ mõi chòng mắt xanh
Chiều Sa Pa chỉ mình anh
Nếu em bên cạnh tôi thành Sa Pa…
Trần Tâm

Sapa – Thành phố trong sương

Đăng bởi lúc 7:33 am trong phần Tin blog | Comments Off

Sapa – Thành phố trong sương

Moki Ljubljana là sinh viên khoa báo chí của trường Đại học tổng hợp Slovania. Trong chuyến đi thực tế gần 1 tháng ở Việt Nam, Miki đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều thứ và thăm thú nhiều thắng cảnh. Moki từng biết đến một Văn Miếu cổ kính, một vịnh Hạ Long nên thơ. Cô đã viết khá nhiều bài báo về những nơi đã đi qua, trong đó có cảm nhận riêng tư về một mảnh đất mà cô rất ấn tượng. Đó là Sapa…

Điểm dừng chân tiếp theo của tôi và các bạn là Sapa. Đó là một thị trấn nằm trên núi gần biên giới Trung Quốc. Đó cũng là điểm đến du lịch khá thú vị vì các bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh một vùng đất bậc thang. Thời tiết mát mẻ, hơi se lạnh vào đêm và sáng. Điều tuyệt vời nhất là Sapa là nơi có nhiều làng nhỏ các dân tộc sinh sống nên nền văn hoá cũng rất đa dạng. Từ Hà Nội, cách đi thông dụng nhất để đến Sapa là đi tàu đêm. Vé bán ở rất nhiều đại lý du lịch. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi ô tô có giường nằm khá tiện nghi. Từ Hà Nội lên Sapa, nếu đi bằng ô tô cũng phải mất 10 tiếng. Chúng tôi quyết định mua vé tàu để lên Sapa.

Tác  giả cùng ăn với 1 gia đình người H'mong

Tác giả cùng ăn với 1 gia đình người H’mong

Chúng tôi vào nhà ga và đứng đợi. Tàu rời ga lúc 10h đêm. Chúng tôi ngồi trên tàu, buôn chuyện và cười đùa cho đến nửa đêm. Cơn buồn ngủ kéo đến nhưng khó ngủ quá. Có thể do chiếc ghế nên chỉ có thể ngủ gật một chút.

Tàu đến Lào Cai lúc 7h sáng. Theo những gì tôi đọc được thì Lào Cai là một thị trấn biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cách Lào Cai khoảng 40km là thị trấn Sapa, nơi chúng tôi sẽ khám phá trong vòng 3 ngày. Những gì bao quanh khu vực này thật kỳ lạ – đó là cái bạn nghĩ về thời điểm mà bạn đến Việt Nam, nhưng là ở trên núi. Những cánh đồng có ở khắp nơi. Ruộng bậc thang leo ngoằn nghoèo trên khắp sườn núi.

Phụ nữ mặc những trang phục dân tộc xinh đẹp và bán các đồ thủ công cho khách du lịch như vòng bạc, kiềng bạc và túi thổ cẩm. Những cậu bé cưỡi trên lưng trâu và cả mưa nữa. Mưa ở Sapa không nặng hạt mà lãng đãng như những đám mây sắp xà xuống vai áo. Mưa cùng mây che phủ sườn núi, khiến thành phố như ngập trong sương. Sapa cao hơn so với mặt biển nên thời tiết khá mát mẻ, nhưng không quá lạnh.

Hôm sau, chúng tôi đi bộ gần một 1000 bậc thang đến với làng Cat Cat (một làng của người H’mong) để ngắm dòng thác đẹp sửng sốt tại nơi hội ngộ của 3 dòng sông. Tại đó, chúng tôi được làm quen với cuộc sống của người dân thiểu số ở Việt Nam, ăn thử món ăn của họ. Tôi cảm thấy rất thích thú khi bắt chước cách phát âm của các em bé H’mong. Những ngọn núi xanh ngắt và vùng thung lũng bát ngát khiến tôi vui thích. Tôi yêu biết bao những ngọn đồi ở vùng Đông Dương này. Sau gần một ngày ngẩn ngờ với phong cảnh, tôi quyết định đi bộ thêm 500 bậc nữa cho đến khi gặp đường lớn và thuê một chiếc xe máy để trở về khách sạn.

Sapa - Thành phố trong sương

Sapa – Thành phố trong sương

Thêm một ngày mới! Tôi cùng các bạn leo lên đồi Rồng. Đó không phải là một chuyến leo núi vất vả và cũng không có quá nhiều thứ để thưởng thức ở nơi đó. Song, chúng tôi cảm thấy thật vui với những gì người Việt Nam đã làm ở đây. Có Cửa lên thiên đường và hang 3 cửa, Vườn mây… Cảnh sắc thật đẹp, đặc biệt là khi tôi đến được Tháp Microwave. Trên đường đi, có rất nhiều trẻ em, một số có vẻ xấu hổ, nhưng vẫn hét: “Hello bye bye” (Xin chào. Tạm biệt) khi chúng tôi đi qua. Thật tuyệt vời khi được đi bộ qua các làng và nhìn thấy người dân thiểu số sống như thế nào. Có 2 cộng đồng người thiểu số khá đông ở đây là người H’mong và người Dao đỏ.

Cả hai ăn mặc khác nhau và làm việc cùng trên cánh đồng, chủ yếu là cánh đồng lúa. Đây là lương thực chính họ dùng để ăn và phần còn lại để bán. Thị trấn chính mà chúng tôi đi qua (nếu có thể gọi đó là thị trấn, vì nó to hơn làng) là Tà Phỉn. Chúng tôi dừng lại ở gần một trường học để ăn trưa và sau đó đi thăm một căn nhà nơi một gia đình sinh sống. Nét văn hoá hấp dẫn chúng tôi nhất là ở Sapa, người đàn ông ở nhà cả ngày, nấu ăn và chăm sóc trẻ trong khi phụ nữ làm việc trên cánh đồng. Mỗi hộ gia đình có khoảng 6 đến 7 đứa trẻ và 2 gia đình. Một số trẻ lớn hơn (khoảng 4, 5 tuổi) trông trẻ nhỏ hơn. Chúng địu nhau trên lưng suốt ngày. Còn những đứa trẻ lớn hơn nữa thì trông nhà, nấu ăn và chăm sóc nhà cửa…

Chúng tôi kết thúc chuyến hành trình của mình ở Sapa sau 3 ngày và cảm nhận thấy cuộc sống nơi đây thật muôn màu, muôn vẻ. Nền văn hoá của nơi đây đã làm giàu thêm một kiến thức cuộc sống của một sinh viên, một nhà báo tương lai như tôi. Tôi mong rằng, khi tốt nghiệp và có thêm kinh nghiệm sống, tôi sẽ quay trở lại Sapa, mảnh đất mù sương như một bài hát mà các bạn Việt Nam đã hát cho tôi nghe.

Người dịch: Hoàng Minh

Travel Sapa