Đặc sắc phiên chợ tình
Khác với chợ tình Khau Vai (Hà Giang), chợ tình Mộc Châu (Sơn La) được tổ chức mỗi năm một lần, chợ tình Sa Pa diễn ra thường xuyên vào tối thứ bảy hàng tuần. Trước kia, đó là điểm hẹn tình, nơi giao duyên của những chàng trai, cô gái người Dao đỏ. Từ chiều, dưới phố và ở sân nhà thờ thị trấn đã thấy rất nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với những vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vai áo. Hấp dẫn hơn nữa là có tiếng leng keng theo mỗi bước chân từ những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên chiếc khăn choàng đầu của họ. Đối tượng mà các cô quan tâm là những chàng trai người Dao trong trang phục áo chàm, khăn cùng màu, tay đeo đồng hồ, vai khoác chiếc đài cát-sét.
Ở một góc nọ, dăm bảy chàng trai xúm quanh một cô gái, họ đưa những chiếc máy cát-sét của mình vào gần cô để ghi âm những khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc. Thấy có người lạ, cô gái xấu hổ cúi đầu hoặc lấy tay che mặt nhưng vẫn hát trong tâm trạng hồi hộp. Rồi màn đêm xuống, sau những gốc cây sa mu và các tảng đá lớn là âm thanh mời gọi lúc trầm, lúc bổng của kèn lá, khèn môi bồng bềnh.
Phong tục của người Dao không ngăn cản người có vợ hoặc có chồng đi tìm bạn tình. Con gái 13, 14 tuổi đã đi theo các chị để làm quen. Những cô gái trẻ, đẹp thường được rất nhiều chàng trai để ý. Họ vây quanh, mở cát-sét cho cô gái nghe hoặc tán tỉnh rồi tặng quà kỷ niệm. Cô gái không ưng thì bỏ quà chạy và bị một chàng trai nắm tay giữ lại. Động tác này gọi là “kéo”, biểu hiện cho sự tỏ tình quyết liệt. Còn các cô gái khi chọn được chàng trai ưng ý thì giúi vào tay người đó vật đính ước, có thể là chiếc nhẫn, chiếc vòng tay hay chiếc lược… Thế là đám đông ồ lên và tản ra, cô gái quay về với các bạn gái. Một lúc sau, khi yên tĩnh trở lại thì 2, 3 cô bạn đưa cô gái này đến “gửi gắm” cho người đàn ông cô đã chọn. Rồi đôi bạn tình đưa nhau đi…
Bây giờ thì không chỉ riêng người Dao mà người Mông cũng đến chợ tình. Vừa là để tìm bạn vừa là để vui chơi sau những ngày lao động vất vả. Điều thu hút sự tò mò của chúng tôi là tiếng khèn của các chàng trai người Mông. Tiếng khèn dìu dặt cùng với bước nhảy và điệu ô xòe của cô gái Mông tham gia đội múa khèn cuốn hút.
Chợ vãn dần, cho đến khoảng 12 giờ đêm thì chỉ còn lại những người thích thưởng thức cái lạnh vùng cao và sưởi ấm bên bếp than rực hồng, nhâm nhi củ khoai, bắp ngô hay quả trứng gà nướng cùng chén rượu Bắc Hà, Sán lùng đặc sản Lào Cai. Cũng lúc này, chúng tôi gặp cả một gia đình người Mông cùng đi chợ tình. Vợ, chồng, con trai, con gái, họ đi để biểu diễn phục vụ khách du lịch và coi đây như một nghề kiếm sống.
Mỗi tối, mỗi người cũng được 50 – 70 ngàn đồng, gặp khách sộp “bo” nhiều thì khá hơn. Anh bạn đi cùng nổi hứng còn mời đức ông chồng mấy ly rượu, thế là say ngả say nghiêng đến nỗi bà vợ phải kéo mãi mới chịu rời chợ tình về nghỉ. Điều đáng tiếc cho những du khách ưa phám phá khi đến chợ tình Sa Pa mong chớp được một cảnh tỏ tình của các chàng trai, cô gái người Mông, người Dao lại hơi hiếm. Chợ tình bây giờ tấp nập hơn với cảnh mua bán và trong đó những tiếng khèn, điệu nhảy… cũng đã bị thương mại lấn át mất rồi.