Dân tộc Dzáy Sapa
Dân tộc Dzáy ở Sapa là một nhánh của nhóm các dân tộc Tày – Thái, sống chủ yếu ở các vùng núi cực Bắc. Tổng số người Dzáy ở Việt Nam chỉ có trên 25 ngàn và ở Sa Pa họ chỉ chiếm 2%, tập trung ở các bản quanh thung lũng Tả Van, Lao Chải.
Cũng như người Tày, Nùng, Thái, người Dzáy canh tác trên các mảnh ruộng bằng phẳng trồng lúa tẻ. Trước kia mỗi năm chỉ làm một vụ. Sau ngày tết, họ tổ chức lễ hội xuống đồng gọi là “Gióng Pooc” vào ngày Thìn tháng Giêng để cầu mong một năm trồng cây tốt lành
Trong làng người ta giúp nhau theo kiểu đổi công vào những ngày bận rộn như mùa cấy, mùa thu hoạch .Lúa gặt vào mùa khô cho nên người ta đánh đống ngay ngoài đồng, rồi mang dần về nhà đập.Ngoài ra người ta còn chăn nuôi gà vịt, trâu ngựa … Trước kia người Dzáy thướng nấu cơm bằng cách nuộc gạo gần chín rồi mới vớt ra cho vào chõ đồ tiếp, còn nước luộc gạo dùng để uống cả ngày. Trang phục người Giáy đơn giản hơn các dân tộc khác, ít thêu thùa và chỉ có các băng vải màu viền quanh cổ và vạt áo. Người Dzáy ở Sa Pa làm nhà nền đất, vách gỗ, gác lửng có gian thờ ở giữa và là nơi tiếp khách.
Kho tàng ca dao tục ngữ, câu đố của người Giáy rất phong phú, đặc biệt là có rất nhiều sự tích để giải thích cho các hiện tượng trong thiên nhiên và xã hộ. Dân ca Dzáy được hát trong tất cả mọi hoạt động xã hội như đám ma, đám cưới, chúc tụng, lễ hội và nhất là khi trai gái giao duyên. Người Dzáy cho rằng hát là để nghe chứ không phải đẻ ngắm, vì thế có nhiều cụ già vào các cuộc hát và vẫn được hâm mộ. Ngày nay trong các làng người Dzáy ở Sa Pa, đời sống tinh thần khá cao, nhiều nhà có tivi và hầu hết trẻ em đều đi học, có nhiều người đã học tới cao đẳng hoặc đại học.