Chiếc ô tô chở đầy khách du lịch chầm chậm tiến vào sân trung tâm bản Tả Phìn. Ngay lập tức, hàng chục các bà, các cô, trang phục người Dao, đầu đội khăn đỏ, lưng địu em bé, ùa ra bủa kín xe. Những bà mẹ lúc lắc trẻ con trên vai, chen chúc nhau, tay cố với lên cửa sổ xe chào món thổ cẩm vừa mộc mạc, vừa tinh xảo đủ dạng hoa văn sặc sỡ. Những em bé má ửng hồng ngủ ngoan trên lưng mẹ, gương mặt trong lành chìm trong cái rét căm căm của sương muối, hơi núi. Rồi em sẽ lớn lên, và sẽ lại cùng bà, cùng mẹ, ngồi bên con đường nhỏ dẫn vào bản, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, thêu nào khăn, nào áo, nào mũ. Em sẽ đi bộ mỗi ngày hơn hai mươi km xuống chợ SaPa, hoặc bám theo các khách du lịch ở Tả Phìn chào bán thổ cẩm…
Giấc mơ đỏ ở Tả Phìn
Gượm đã, mọi việc có thể khác đi đôi chút.
Này em bé, chúng tôi mang đến cho em món quà, tạm gọi đó là: Nơi giấc mơ bắt đầu – Giấc mơ đỏ.
Một ngôi nhà tường đỏ, mái dốc theo nhịp điệu đồi núi, tựa chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Dao, lấp ló bên những thửa ruộng bậc thang của thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, Sa Pa. Ngôi nhà là nơi phụ nữ ngồi khâu vá, thêu thùa, trưng bày sản phẩm luôn tại đó, khách du lịch sẽ tự ghé đến chứ ta không phải đuổi theo họ như trước kia. Một thư viện nhỏ cho trẻ con đọc sách, chơi đùa. Một không gian đa năng, dân bản có thể tụ họp, múa hát, trao đổi thông tin, nơi diễn ra những buổi tập huấn, tuyên truyền bổ ích, nơi những em bé còn ẵm ngửa ngủ ngoan trong ấm áp, an toàn và sự yên tâm của mẹ.
Ngôi nhà được dựng nên từ chính bàn tay người địa phương, với những vật liệu cũng địa phương, vô cùng giản dị: đá, gạch không nung, gỗ tái chế, gỗ thông gai. Áp dụng chuỗi giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng: công nghệ lọc nước mưa, pin mặt trời, bể phốt 5 khoang không gây ô nhiễm, lò sưởi tiết kiệm năng lượng, tận dụng nhiệt thừa ống khói.
Một năm trước đây, với sự ủng hộ của chính quyền Tả Phìn và các cơ quan hữu quan, dự án được cấp một mảnh đất, tuy nhiên, đó cũng chính là thách thức đầu tiên. Mảnh đất quá dốc, san ủi mặt bằng tốn kém, xây dựng rất mất công, lại nằm sâu trong bản. Do đó, chúng tôi đã phải cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định tìm một vị trí khác với tầm nhìn tốt hơn, địa hình, vị trí phù hợp, dễ xây dựng hơn. Công trình nằm tại trung tâm thôn, cạnh trường tiểu học, nhà xát gạo tập thể, rất tiện cho sinh hoạt và gây ấn tượng mạnh với khách du lịch.
Giấc mơ đỏ ở Tả Phìn
Đất đã có rồi, thêm một vấn đề đặt ra: Khí hậu Tả Phìn có nhiệt độ trung bình thấp, ít nắng. Phải xây nhà giữ được nhiệt về mùa đông và thông thoáng, dễ chịu về mùa hè. Vậy là bản thiết kế ra đời với tường dày bao quanh, lò sưởi ở trung tâm nhà. Đồng thời có mái kính lớn tận dụng nhiều nhất ánh sáng tự nhiên. Mặt đứng công trình thiết kế linh hoạt, có thể duy trì ánh sáng, sự thông thoáng và đóng kín giữ ấm khi trời rét. Cùng sống với dân bản và tìm hiểu văn hóa làm nhà của họ, dần dần những trần thông gai, những cầu thang thân cây, gác xép… ra đời.
Nhưng khó khăn lớn nhất có lẽ nằm ở quá trình vận hành hoạt động. Người dân Tả Phìn thực sự rất cần kỹ năng quản lý và nguồn lực để quảng bá, cần các chuyên gia tổ chức hoạt động và hướng dẫn họ.
Trước sự phấn khởi và ủng hộ của bà con khi công trình bước đầu đưa vào sử dụng, chúng tôi càng có cơ sở tin tưởng về tương lai dự án. Với mục đích tạo ra một không gian đa năng, tăng cường sự gắn kết và phát huy các tiềm lực địa phương, thúc đẩy du lịch, xúc tiến thương mại. Cao hơn nữa, dự án hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là bảo tồn sự đa dạng văn hóa và môi trường tự nhiên, duy trì nghề làm thổ cẩm, trồng cây thuốc và tắm thuốc. Các chương trình tập huấn cho cư dân bản địa sẽ giúp nâng cao kỹ năng thực hành nông nghiệp bền vững, du lịch có trách nhiệm và quản lý dự án hiệu quả. Mong rằng ý tưởng có thể phổ biến và nhân rộng ra những địa phương khác
Nhà cộng đồng Tả Phìn đã ra đời như vậy, nơi ấy, chúng tôi hy vọng những bông hoa đỏ sẽ được nâng niu, bảo vệ, lớn lên và ngát hương.