Kèn Pí Lè nhạc cụ độc đáo trong lễ cưới của người Phù Lá
Người Phù Lá ở Bắc Hà, Lào Cai gọi kèn Pí lè là “Sa Lá” – một loại nhạc cụ thuộc bộ hơi, trong nghi lễ cưới truyền thống không thể không có tiếng kèn Pí lè của nhà trai đưa sang nhà gái, bởi đó là nhạc cụ thể hiện tính thiêng liêng lễ xin dâu của dân tộc.
Kèn Pí lè của dân tộc Phù Lá có cấu tạo tương tự cây kèn của người Mông, gồm 3 phần: Đầu thổi, thân kèn và loa kèn.
Đầu thổi của cây kèn là một ống đồng nhỏ bọc gỗ, đục lỗ thông với thân kèn, lỗ nhỏ ở giữa để cắm ống thổi dài khoảng 1,5cm, ống thổi này được cắt từ ống thân lúa (cù chsoáng) đã phơi khô, thân tròn, có độ dai. Khi thổi, nghệ nhân ngậm sát đầu thổi và mím chặt môi lại để giữ hơi trong miệng, điều tiết hơi ra từ từ trong đầu thổi xuống thân kèn.
Kèn Pí lè – nhạc cụ độc đáo trong lễ cưới của người Phù Lá
Thân kèn được đẽo gọt từ thân gỗ cứng, nguyên liệu thường dùng chủ yếu là gỗ lim hoặc táu có chất liệu bền, tốt dùng được lâu năm. Thân kèn được chia ra làm 10 đốt, các đốt được tạo thành bởi sự phân chia giữa các gờ ở từng đốt do nghệ nhân tạo ra giống như đốt tre, trên các đốt đó có 7 đốt ở giữa được dùi lỗ nhỏ ở mặt trên thân kèn, đó là lỗ bấm tạo ra âm thanh của cây kèn.
Các lỗ bấm được dùi trên thân kèn bắt đầu lần lượt từ lỗ 1 nằm từ đốt thứ 2 cho tới lỗ bấm 7 nằm trên đốt thứ 8. Từ đốt nhỏ thứ nhất được loe rộng dần về phía loa kèn. Thân kèn có độ dài khoảng 35cm, các nghệ nhân người Phù Lá đã tạo ra lỗ rỗng trong thân kèn bằng cách dùng dùi sắt (có kích thước gần bằng ngón tay út) nung đỏ trong than nóng để đục rỗng thân gỗ làm ống thông đến loa kèn, thể hiện sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong việc chế tạo nhạc cụ truyền thống của dân tộc.
Loa kèn là phần cuối của cây kèn được làm bằng đồng có độ dài khoảng 10cm, đường kính của loa kèn khoảng 12 cm. Phần loa được gắn chặt với thân kèn ở đốt thứ 10 của kèn. Ống loa được làm bằng đồng, mép ngoài cùng của phần loa được cuốn ngược ra ngoài tạo ra một vòng đai cứng chạy quanh mép loa. Dưới vòng đai đó được dùi một lỗ nhỏ dùng để xỏ dây buộc từ đầu kèn tới loa kèn, dây này để cầm mỗi khi di chuyển kèn đi các nơi.
Cây kèn của người Phù Lá được sơn màu đỏ để thể hiện cho sự linh thiêng trong nghi lễ, mà chủ yếu là sử dụng trong lễ cưới, đám tang và dựng nhà mới. Tuy nhiên, ở mỗi nghi lễ khác nhau thì họ lại thổi những bài kèn ứng với từng nghi lễ của dân tộc.
Trong lễ cưới của người Phù Lá, tiếng kèn là biểu tượng cho sự thiêng liêng không thể thiếu, bởi đồng bào quan niệm hạnh phúc của đôi vợ chồng cũng giống như tiếng kèn, phải có hai cây kèn thì khi ngân lên mới tạo nên sự đồng điệu. Từ xa xưa, người Phù Lá cho rằng, đám cưới là nghi lễ trọng đại và đáng vui mừng nhất của cuộc đời mỗi con người nên dù nghèo khó hay giàu sang thì trong lễ cưới cũng phải có tiếng kèn đưa sang nhà gái để thể hiện cho sự trang trọng, đường hoàng của gia đình nhà trai.
Người Phù Lá luôn thổi hai kèn với các bài chỉ sử dụng cho lễ cưới, gồm: bài kèn trên đường đi đón dâu, đến nhà cô dâu, các bài kèn đưa cô dâu ra khỏi cửa và đón dâu về nhà. Với quan niệm lễ cưới được tổ chức để kết duyên cho đôi nam nữ về sống bên nhau, nên tiếng kèn trong lễ cưới cũng phải là tiếng kèn đôi thể hiện sự đồng điệu, lúc rộn ràng lúc vui tưng bừng, lúc buồn da diết như diễn biến tâm lý của cô dâu trước khi về nhà chồng.
Trên đường sang nhà gái rước dâu và lúc đưa dâu về nhà, đội kèn luôn phải đi trước để dẫn đầu đoàn rước dâu với vai trò là xua đi mọi sự cản trở trên đường để cô dâu về nhà chồng trong sự may mắn, bình an và còn thể hiện sự uy nghi, hoành tráng nhà trai trong ngày đại hỷ của gia đình.
Khi rước dâu đến cửa nhà trai, đội kèn phải đứng trước ngưỡng cửa để cô dâu làm lễ trong sân thì mới bước vào nhà và hai người thổi kèn phải dàn ra hai bên để cô dâu và chú rể thực hiện nghi lễ trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng trong sự thiêng liêng, trang trọng, tiếng kèn trong nghi lễ cũng trở nên dồn dập, da diết hơn, khiến cho người tham dự lễ cưới trào dâng cảm xúc tưng bừng, nhộn nhịp.