Lình xình hàng lưu niệm
Chạy dài theo mép sân trước mặt nhà thờ kéo dài đến tận cổng chợ là dãy hàng bán đồ lưu niệm, nhiều mặt hàng được bày như đồ thổ cẩm: quần áo, mũ, khăn, túi xách, túi đựng điện thoại di động; đồ bạc có vòng đeo tay, đeo cổ, tiền bạc hoa xòe… được gọi là hàng địa phương, còn phần lớn vẫn là hàng nhập từ Trung Quốc. Có vài phụ nữ Dao ngồi khâu ngay bên sạp hàng bày ven đường song mấy thứ hoa văn trên thổ cầm hầu như cũng là nhập ngoại.
Hàng giá thách đội lên gấp nhiều lần so với giá bán, một cái ví thách đến 20 nghìn nhưng trả 7 nghìn đồng là bán luôn; vòng bạc đeo tay giá chỉ 25 – 30 nghìn đồng thì thách lên đến 70 – 80 nghìn đồng. Chúng tôi còn bắt gặp ở đây cảnh nhiều em bé người Mông hay một vài phụ nữ người Dao đỏ tay mang cả chuỗi vòng bạc đeo cổ hoặc hàng thổ cẩm bám riết khách du lịch, nhất là khách nước ngoài để nài mua.
Làm du lịch đã nhiều năm, người dân Sa Pa cũng có vốn tiếng Anh kha khá. Thế nên, một chị bán hàng lưu niệm hỏi thẳng vị khách nước ngoài mua tấm bản đồ du lịch Sa Pa là trả bằng tiền Việt hay đô la. Trước cửa chợ văn hóa, còn có nhiều người mang cả “cổ vật” đi rao bán. Một cặp sừng trâu 27 năm tuổi, vài bộ sừng nai, dao Mông, cối gỗ… và cả một bộ trống, chiêng của ông thầy mo bản. Không biết có còn thứ gì cần lưu giữ mà trước sức cám dỗ của đồng tiền, dân ta sẵn sàng cho ra chợ.
Đi nhiều nơi, việc mua kỷ vật vốn là sở thích của khách du lịch. Tận mắt nhìn thấy ông Tây xúng xính trong chiếc áo thổ cẩm, bà chị miền Nam mua cái dây bạc tặng chồng nhưng cái gì riêng mang bản sắc Sa Pa thì ít thấy. Cùng với quy hoạch xây dựng khu chợ bán hàng lưu niệm để tránh mất trật tự đường phố thì việc nghiên cứu, sản xuất các món quà độc đáo của địa phương nơi có đỉnh Phan-si-păng – nóc nhà Đông Dương cũng là việc cần làm.
Rời Sa Pa, ấn tượng về một địa danh du lịch trên núi cao còn mãi. Và tiếng hát ai: “Anh chỉ nghe em hát, vang lên trong biển mây. Anh chỉ nghe tiếng cười, vang lên giữa rừng cây… Ôi! Sa Pa mù sương…” cứ níu kéo, hẹn ngày gặp lại…