Men say của người Pa Dí ở Mường Khương
Cốc Ngù là thôn trung tâm của xã biên giới Nậm Chảy (Mường Khương), nơi đây có đồng bào Pa Dí, Tu Dí, Nùng cùng sinh sống. Vốn quen với sản xuất nông nghiệp, cũng như một số đồng bào dân tộc thiểu số khác, người Pa Dí ở Cốc Ngù có một nghề truyền thống nấu rượu ngô từ lâu.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Pờ Mìn Hương, Trưởng thôn Cốc Ngù cho biết: Cả thôn Cốc Ngù hiện có 28 hộ làm nghề nấu rượu. Mỗi hộ nấu được khoảng 100 lít/tháng. Người Pa Dí trồng ngô chủ yếu là nấu rượu và phục vụ chăn nuôi. Rượu Cốc Ngù được nấu từ ngô nếp địa phương, cũng có ít hộ nấu cả ngô tẻ. Nhưng theo người Pa Dí ở Cốc Ngù thì rượu ngô nếp có vị ngon hơn hẳn, bán được giá hơn, ủ trong chum vại càng lâu lại càng ngon.
Không biết nghề nấu rượu ngô có tự bao giờ, chỉ biết người Pa Dí ở Cốc Ngù hiện tại khi lớn lên, lập gia đình đều được học bí quyết từ ông bà, bố mẹ truyền lại. Vẫn những công thức luộc ngô, ủ men, nhưng với bí quyết riêng của người Pa Dí đã làm nên hương vị độc đáo, hấp dẫn khác biệt của rượu Cốc Ngù. Theo những người già trong thôn kể lại, do nguồn nước và khí hậu nơi đây khác biệt so với nơi khác nên mới tạo ra một thứ rượu ngon. Vì có không ít người Pa Dí sau khi dựng vợ, gả chồng, cũng đem theo bí quyết này đến một số thôn, bản khác trong huyện, thậm chí ngay trong xã nhưng khi nấu rượu cũng không ngon bằng nấu tại thôn Cốc Ngù.
Thế mới biết, mỗi địa phương, mỗi tiểu vùng khí hậu có những đặc điểm riêng tạo nên những sản vật, những món ăn mang đặc trưng riêng, không đâu có được. Bà Tráng Chử Lần, 80 tuổi, người Pa Dí ở thôn Cốc Ngù cho biết: Người già trong thôn đều biết nấu rượu và uống rượu. Mỗi dịp lễ, tết, rượu ngô được dùng để tế thần linh, tổ tiên, để người Pa Dí cùng nhau nâng chén, cùng cầu mong mùa màng bội thu, đời sống no ấm… Trong những ngày vui như thế, men say được cất từ hạt ngô nếp nương thơm dẻo, từ bí quyết ngâm ủ của người Pa Dí, từ dòng nước mát trong ở thôn Cốc Ngù đã hoà quyện vào nhau, tạo nên một thứ tinh tuý chứa đựng nét văn hoá của người dân vùng cao./.