Sa Pa lắm hoa nhiều thuốc
![Sa Pa lắm hoa nhiều thuốc](http://www.travelsapa.com/vn/wp-content/uploads/2013/09/vườn-lan-sapa2-500x200.jpg)
Từ lâu, Sa Pa (Lào Cai) đã là một địa chỉ du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đây cũng là điểm đến trong chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái -Phú Thọ. Những năm gần đây, Sa Pa có sự đầu tư và biến đổi nhanh song vẫn giữ được bản sắc văn hóa xứ núi.
Chúng tôi đặt chân lên đất Sa Pa, thị trấn nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, mang sắc thái khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới nên mát mẻ quanh năm. Ngay giữa trung tâm phố xá là một vườn mận và đào mùa này đã qua vụ khai hoa, chùm quả lấp ló dưới tán lá xanh trông như những bóng đèn nho nhỏ. Riêng hoa thì nhiều, hoa mọc ven đường, hoa trồng dọc phố, hoa trong khuôn viên các nhà hàng, khách sạn. Đủ loại: lay dơn, loa kèn, thược dược, cúc, hồng… và nhất là hoa bất tử thì hình như chỉ riêng đất Sa Pa có. Được thiên nhiên ưu đãi cho nên hoa đẹp lắm. Đỗ quyên nở đỏ trên đường chinh phục đỉnh Phan-si-păng; lan rực rỡ công viên Hàm Rồng. Riêng 2 vườn lan trên núi Hàm Rồng có đủ mặt trên 300 loài lan của rừng Hoàng Liên và nhiều giống lan nhập ngoại.
Nói về hoa lan, anh Phạm Khắc Xương – Tổng biên tập Báo Lào Cai cho biết: “Bây giờ, người ta thích chơi hoa lan, nhất là loại Kiếm hồng hoàng. Toàn huyện Sa Pa có gần trăm hộ gia đình trồng loại hoa này để bán ra thị trường. Tết vừa qua, có gia đình thu bạc tỷ, chậu hoa 82 cành của “vua hoa lan” Phan Bá Đường đấu giá thành công tại Hà Nội với giá 24 triệu đồng”. Đi trên phố Sa Pa, đâu cũng gặp những sắc màu bắt mắt và thoang thoảng hương thơm của hoa. Từng đến các vùng hoa Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng và bây giờ là Sa Pa của tỉnh Lào Cai mới thấy giá trị của hoa trong cuộc sống con người. Hoa không chỉ làm đẹp mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, một bông hoa hồng giống Đài Loan, Đà Lạt hay bông hoa tuy líp giống Hà Lan xuất khẩu cũng có giá vài đô la. Hoa Sa Pa đã có mặt tại thị trường Hà Nội và cũng đang thâm nhập thị trường thế giới để làm giàu cho vùng đất này.
Nói đến Sa Pa còn phải nói tới trung tâm cung cấp nguồn dược liệu cho cả nước. Đi dọc phố Tuệ Tĩnh, Cầu Mây, Hàm Rồng hay vào chợ, chỗ nào cũng thấy bày bán thuốc. Bán buôn có, bán lẻ có, từ cây hoàng liên đến các loại dược liệu quý như sâm, đỗ trọng, tam thất, actixô, nấm linh chi cổ và giá rẻ bất ngờ: một cân sâm giá 300 ngàn đồng, cân đỗ trọng giá 80 ngàn đồng và cân củ thiên ma giá cũng trăm ngàn đồng.
Nhớ lại hôm vào siêu thị thuốc ở Côn Minh (Trung Quốc), loại nào cũng có giá từ vài trăm đến hàng ngàn nhân dân tệ một ki lô. Thôi thì lời quảng cáo hay khiến anh nào anh nấy thi nhau móc hầu bao, có người làm cả chục triệu đồng tiền mua thuốc “quý”. Bây giờ lại thấy nó hiện diện tại nước nhà với giá “nội địa” sao không khỏi giật mình. Hỏi một chủ quầy thuốc, bà chủ hồn nhiên: “Chúng em vẫn bán dược liệu cho các nhà buôn Trung Quốc. Có người còn đặt sẵn thang đóng gói nhưng không ghi nhãn hiệu nữa đấy”.
Thế mới biết, cái bệnh “sính ngoại” hại người ta đến vô tình. Trên đường đi, chúng tôi còn gặp một quảng cáo khá độc đáo: “Tắm lá thuốc chính hiệu dân tộc Dao đỏ Sa Pa, chỉ có cơ sở đường lên núi Hàm Rồng” kèm theo khuyến mãi “Dịch vụ trọn gói tắm và mát-xa được tặng một gói thuốc tắm”. Cũng đã học được bài tiếp thị của nước ngoài nhưng tôi tin rằng, đây là cơ sở trị liệu dựa trên kinh nghiệm y học cổ truyền có tác dụng chữa bệnh và chắc là mình chẳng bị “chặt” đẹp.