Sapa – Thành phố trong sương
Moki Ljubljana là sinh viên khoa báo chí của trường Đại học tổng hợp Slovania. Trong chuyến đi thực tế gần 1 tháng ở Việt Nam, Miki đã đi nhiều nơi, tìm hiểu nhiều thứ và thăm thú nhiều thắng cảnh. Moki từng biết đến một Văn Miếu cổ kính, một vịnh Hạ Long nên thơ. Cô đã viết khá nhiều bài báo về những nơi đã đi qua, trong đó có cảm nhận riêng tư về một mảnh đất mà cô rất ấn tượng. Đó là Sapa…
Điểm dừng chân tiếp theo của tôi và các bạn là Sapa. Đó là một thị trấn nằm trên núi gần biên giới Trung Quốc. Đó cũng là điểm đến du lịch khá thú vị vì các bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh một vùng đất bậc thang. Thời tiết mát mẻ, hơi se lạnh vào đêm và sáng. Điều tuyệt vời nhất là Sapa là nơi có nhiều làng nhỏ các dân tộc sinh sống nên nền văn hoá cũng rất đa dạng. Từ Hà Nội, cách đi thông dụng nhất để đến Sapa là đi tàu đêm. Vé bán ở rất nhiều đại lý du lịch. Ngoài ra, bạn cũng có thể đi ô tô có giường nằm khá tiện nghi. Từ Hà Nội lên Sapa, nếu đi bằng ô tô cũng phải mất 10 tiếng. Chúng tôi quyết định mua vé tàu để lên Sapa.
Chúng tôi vào nhà ga và đứng đợi. Tàu rời ga lúc 10h đêm. Chúng tôi ngồi trên tàu, buôn chuyện và cười đùa cho đến nửa đêm. Cơn buồn ngủ kéo đến nhưng khó ngủ quá. Có thể do chiếc ghế nên chỉ có thể ngủ gật một chút.
Tàu đến Lào Cai lúc 7h sáng. Theo những gì tôi đọc được thì Lào Cai là một thị trấn biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cách Lào Cai khoảng 40km là thị trấn Sapa, nơi chúng tôi sẽ khám phá trong vòng 3 ngày. Những gì bao quanh khu vực này thật kỳ lạ – đó là cái bạn nghĩ về thời điểm mà bạn đến Việt Nam, nhưng là ở trên núi. Những cánh đồng có ở khắp nơi. Ruộng bậc thang leo ngoằn nghoèo trên khắp sườn núi.
Phụ nữ mặc những trang phục dân tộc xinh đẹp và bán các đồ thủ công cho khách du lịch như vòng bạc, kiềng bạc và túi thổ cẩm. Những cậu bé cưỡi trên lưng trâu và cả mưa nữa. Mưa ở Sapa không nặng hạt mà lãng đãng như những đám mây sắp xà xuống vai áo. Mưa cùng mây che phủ sườn núi, khiến thành phố như ngập trong sương. Sapa cao hơn so với mặt biển nên thời tiết khá mát mẻ, nhưng không quá lạnh.
Hôm sau, chúng tôi đi bộ gần một 1000 bậc thang đến với làng Cat Cat (một làng của người H’mong) để ngắm dòng thác đẹp sửng sốt tại nơi hội ngộ của 3 dòng sông. Tại đó, chúng tôi được làm quen với cuộc sống của người dân thiểu số ở Việt Nam, ăn thử món ăn của họ. Tôi cảm thấy rất thích thú khi bắt chước cách phát âm của các em bé H’mong. Những ngọn núi xanh ngắt và vùng thung lũng bát ngát khiến tôi vui thích. Tôi yêu biết bao những ngọn đồi ở vùng Đông Dương này. Sau gần một ngày ngẩn ngờ với phong cảnh, tôi quyết định đi bộ thêm 500 bậc nữa cho đến khi gặp đường lớn và thuê một chiếc xe máy để trở về khách sạn.
Thêm một ngày mới! Tôi cùng các bạn leo lên đồi Rồng. Đó không phải là một chuyến leo núi vất vả và cũng không có quá nhiều thứ để thưởng thức ở nơi đó. Song, chúng tôi cảm thấy thật vui với những gì người Việt Nam đã làm ở đây. Có Cửa lên thiên đường và hang 3 cửa, Vườn mây… Cảnh sắc thật đẹp, đặc biệt là khi tôi đến được Tháp Microwave. Trên đường đi, có rất nhiều trẻ em, một số có vẻ xấu hổ, nhưng vẫn hét: “Hello bye bye” (Xin chào. Tạm biệt) khi chúng tôi đi qua. Thật tuyệt vời khi được đi bộ qua các làng và nhìn thấy người dân thiểu số sống như thế nào. Có 2 cộng đồng người thiểu số khá đông ở đây là người H’mong và người Dao đỏ.
Cả hai ăn mặc khác nhau và làm việc cùng trên cánh đồng, chủ yếu là cánh đồng lúa. Đây là lương thực chính họ dùng để ăn và phần còn lại để bán. Thị trấn chính mà chúng tôi đi qua (nếu có thể gọi đó là thị trấn, vì nó to hơn làng) là Tà Phỉn. Chúng tôi dừng lại ở gần một trường học để ăn trưa và sau đó đi thăm một căn nhà nơi một gia đình sinh sống. Nét văn hoá hấp dẫn chúng tôi nhất là ở Sapa, người đàn ông ở nhà cả ngày, nấu ăn và chăm sóc trẻ trong khi phụ nữ làm việc trên cánh đồng. Mỗi hộ gia đình có khoảng 6 đến 7 đứa trẻ và 2 gia đình. Một số trẻ lớn hơn (khoảng 4, 5 tuổi) trông trẻ nhỏ hơn. Chúng địu nhau trên lưng suốt ngày. Còn những đứa trẻ lớn hơn nữa thì trông nhà, nấu ăn và chăm sóc nhà cửa…
Chúng tôi kết thúc chuyến hành trình của mình ở Sapa sau 3 ngày và cảm nhận thấy cuộc sống nơi đây thật muôn màu, muôn vẻ. Nền văn hoá của nơi đây đã làm giàu thêm một kiến thức cuộc sống của một sinh viên, một nhà báo tương lai như tôi. Tôi mong rằng, khi tốt nghiệp và có thêm kinh nghiệm sống, tôi sẽ quay trở lại Sapa, mảnh đất mù sương như một bài hát mà các bạn Việt Nam đã hát cho tôi nghe.
Người dịch: Hoàng Minh