Tập quán làm nhà sàn của người Tày
Mỗi dân tộc đều có cách làm nhà khác nhau. Người Tày ở các địa phương trong tỉnh từ lâu đã chọn cho mình cách làm nhà sàn mà các dân tộc khác không có. Ngày xưa, đồng bào Tày sinh sống ở các vùng rừng núi, có rất nhiều thú dữ, để đối phó và bảo vệ mình trước các loài thú dữ ăn thịt, đã thiết kế ra nhà sàn.
Nhà sàn của người Tày vừa cao, lại thoáng, nên rất mát vào mùa hè, mùa đông được sưởi ấm bằng bếp lửa ở chính giữa ngôi nhà, nên không có cảm giác lạnh lẽo.
Để có một ngôi nhà sàn hoàn chỉnh, chủ nhà phải mất hơn 10 năm chuẩn bị gỗ, lạt, tùy từng ngôi nhà to hay nhỏ (thường là 3 gian – 2 chái và 1 gian – 2 chái), số lượng cột, kèo sẽ khác nhau, nhưng ít nhất cũng cần đến 5 m3 gỗ. Sau khi hình dung được kiểu nhà muốn làm, chủ nhà sẽ tiến hành tập kết gỗ, chọn những cây gỗ đẹp và to nhất rừng để khai thác; huy động anh, em, người trong làng giúp chặt, sơ chế những cây gỗ thành những cây cột, xà, đòn tay… rồi ngâm xuống đáy ao trong vòng 2 năm; sở dĩ phải ngâm gỗ để tránh sự xâm nhập của mối, mọt. Ngoài chuẩn bị gỗ, người làm nhà sàn còn phải chuẩn bị một số lượng lớn cây vầu để làm dui, mè, lá cọ để lợp, lạt buộc, quá trình này cũng phải mất đến 1 năm.
Khi đã chuẩn bị đủ vật liệu, chủ nhà sẽ tìm thợ để làm nhà, chọn ngày lành, tháng tốt tiến hành cắt cây cột chính trong nhà, công đoạn này giữ vai trò quan trọng nhất trong quy trình làm nhà sàn. Sau đó, thợ sẽ đục lỗ trên cột, lắp ghép ngôi nhà sàn theo thiết kế đã định trước, dù nhanh hay chậm cũng mất khoảng 2 tháng.
Nhà sàn của người Tày chỉ có một cầu thang lên, xuống, một cửa ra – vào nhà, nên lấy cầu thang và cửa ra – vào làm chuẩn xác định hướng trong, ngoài, trên và dưới để bố trí, bày biện nội thất sao cho hợp với tập quán chung, đồng thời đúng với sở thích của từng gia đình.
Những ngôi nhà sàn của đồng bào Tày ở Lào Cai tuy đã được thiết kế hiện đại hơn, nhưng vẫn giữ được kiến trúc của mẫu nhà sàn xưa kia. Tuy nhiên, nhà sàn của đồng bào Tày hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị mai một, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.